Sinh ra trong gia đình từng có ba đời làm nghề điêu khắc đá ở làng đá Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), khi mới 10 tuổi Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu đã bắt đầu mày mò học cách chạm khắc các bức tượng.

Là thế hệ thứ 4 nối nghiệp nghề truyền thống của gia đình, từ những tảng đá tưởng chừng như vô tri, vô giác kia, ông Bửu đã khéo léo chế tác, thổi hồn vào đó để chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật với một sức sống mới.

Hai lần vinh dự 

Những ngày cuối năm Tân Sửu, Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu cùng các học trò của mình tất bật khắc những tác phẩm kịp giao đúng hẹn cho khách trước khi nghỉ Tết.

Bắt chuyện với chúng tôi khi hai bàn tay vẫn còn dính đầy bụi đá, ông Bửu kể bản thân đã trải qua hơn 40 năm trong nghề điêu khắc đá. Khó có thể tính hết đã có bao nhiêu tác phẩm của được trưng bày ở trong nước và cả quốc tế.

{keywords}
Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu bên tác phẩm điêu khắc đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng

Với ông, niềm vinh dự nhất chính là 2 lần những tác phẩm điêu khắc được chọn phục vụ cho Tuần lễ cấp cao APEC.

“Năm 2006, khi Tuần lễ cấp cao APEC lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội, tôi vinh dự được chọn sáng tác, lắp đặt 33 tác phẩm nghệ thuật tại khuôn viên Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Những bức tượng đó được sáng tác trong nhiều năm, mang hơi thở, dáng dấp, hình ảnh tươi đẹp của đất nước và nét đẹp nhân hậu, trong sáng của con người Việt Nam, đã tạo ấn tượng sâu sắc đối với các đại biểu quốc tế và người xem”, ông Bửu nhớ lại.

Bén duyên, đến năm 2017, hai tác phẩm “Niềm Hạnh Phúc” và “Bố Cục” của nghệ nhân Nguyễn Long Bửu được chọn để thể hiện tác phẩm tượng đá của Việt Nam đặt trong Công viên APEC (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

{keywords}
Tác phẩm "Niềm hạnh phúc' hiện đang được đặt trong Công viên APEC ở Đà Nẵng

“Tác phẩm Bố Cục thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ với tà áo dài Việt Nam, chất liệu cẩm thạch đỏ, bệ bằng sa thạch xám nâu. Còn Niềm Hạnh Phúc được tạc bằng cẩm thạch xám, khắc họa đôi chim bồ câu khát vọng hòa bình, tình yêu và hạnh phúc.

Hai bức tượng này từng đoạt giải Điêu khắc quốc tế tại Thái Lan và giải thưởng Việt Nam phát triển Văn hóa Thụy Điển mà tôi từng tham gia trước đây”, ông kể.

Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu cho biết, khi được chọn là người khắc tượng phục vụ APEC bản thân ông không cảm thấy áp lực, mà xem đó là vinh dự và là một dấu ấn chứng minh nghề điêu khắc đá của cha ông có một vị trí quan trọng.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Từ những tảng đá tưởng chừng như vô tri, vô giác, ông Bửu đã khéo léo chế tác, thổi hồn vào đó để chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật 

“Nhớ lại những gì đã làm tôi rất vui và hạnh phúc khi được đại diện cho làng đá giới thiệu sản phẩm truyền thống của quê hương tới bạn bè quốc tế. Khi thấy bạn bè quốc tế chiêm ngưỡng những bức tượng tại sự kiện APEC, tôi thấy đó là niềm tự hào của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, một làng nghề đã được các bậc tiền nhân gìn giữ, phát triển trong hơn 300 năm”, ông Bửu bộc bạch.

Người đầu tiên trong lĩnh vực điêu khắc đá được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân

Từ kinh nghiệm của gần một đời làm tượng, ông Bửu cho biết để tạo ra một bức tượng đá, người thợ phải bỏ thời gian dài để lên ý tưởng, phác thảo, chọn khối đá…Có tác phẩm mất 2 năm mới hoàn thành.

“Trước khi tạc một bức tượng, tôi luôn dành thời gian nghiên cứu kỹ về tác phẩm. Nếu làm về nhân vật nào thì sẽ tìm hiểu để hiểu rõ nhân vật mà mình tạc vào đá, việc này sẽ giúp tạo ra được tác phẩm chân thật nhất”, ông nói.

{keywords}
 
{keywords}
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Long Bửu say sưa thổi hồn cho đá
{keywords}
 
{keywords}
Với những cống hiến và lao động nghệ thuật chân chính, nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu vinh dự được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen
{keywords}
Hiện nay ông đang làm công viên vườn tượng nhằm quảng bá cho du khách trong và ngoài nước biết đến nghệ thuật điêu khắc đá

Với những cống hiến và lao động nghệ thuật chân chính, nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; được vinh danh tại nhiều cuộc thi điêu khắc trong nước và quốc tế…

Ông cũng là nghệ nhân đầu tiên của ngành điêu khắc đá Việt Nam được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân năm 2016.

Với mong muốn nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến nghệ thuật điêu khắc của làng đá Non Nước, hiện nay ông Bửu đang làm công viên Công viên tượng nằm sát bên Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, tại đây toàn bộ tác phẩm lâu nay của ông sẽ được trưng bày.

Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu chia sẻ, tâm niệm của ông là mong muốn được truyền nghề cho thật nhiều người để làng đá mãi tiếp tục được phát triển, tồn tại.

Hồ Giáp

Mâm cỗ Tết cổ truyền miền Bắc tinh tế và hấp dẫn

Mâm cỗ Tết cổ truyền miền Bắc tinh tế và hấp dẫn

Mâm cỗ miền Bắc vẫn luôn cầu kỳ, chú trọng vào từng chi tiết. Dưới đây là cách làm mâm cỗ Tết cổ truyền miền Bắc tinh tế và hấp dẫn, độc giả có thể tham khảo.