– Nữ quyền – khái niệm đang trở nên hot khi ngày càng có nhiều phụ nữ nắm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội. Thế nhưng, sự “lên ngôi” của nữ giới không đi cùng với sự chuyển biến trong nhận thức của đa số đàn ông và không ít phụ nữ Việt về vai trò và quyền của người phụ nữ.

14h30 chiều nay (9/10), mời bạn đọc tham gia trực tuyến với CEO Đàm Bích Thuỷ, nhà văn Trang Hạ và Thảo Griffith, trưởng đại diện Quỹ VVAF về chủ đề hot: Nữ quyền ở Việt Nam thời hiện đại. Ngay từ bây giờ, mời bạn đọc đặt câu hỏi cho các vị khách mời TẠI ĐÂY.

Ba người phụ nữ làm trong những lĩnh vực rất khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung: là những người phụ nữ thành đạt, và hơn thế, được xem như một hình mẫu có ảnh hưởng trong cộng đồng của mình. Một điểm thú vị nữa ở họ, là những người phụ nữ thế hệ 6X, 7X, nhưng họ không an phận mà luôn kiếm tìm và chấp nhận những hành trình mới trong cuộc sống.

Đàm Bích Thủy - nữ lãnh đạo người Việt cao nhất trong các tập đoàn đa quốc gia ở VN

Cuộc đời của chị Đàm Bích Thuỷ, nữ CEO nổi tiếng ngành tài chính ngân hàng đầy những ngã rẽ bất ngờ. Từ bỏ vị trí công tác tại UB Khoa học Nhà nước – một nơi mà nhiều người mơ ước thời đó,chị quyết định ra ngoài thành lập công ty tư vấn Invest Consult vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Khi công ty này đang ăn nên làm ra thì chị Thuỷ lại làm cú rẽ ngang đột ngột, đi học MBA tại ngôi trường nổi tiếng Wharton (ĐH Pensylvania) theo chương trình học bổng Fulbright.

 

{keywords}
CEO Đàm Bích Thủy

Cầm trong tay tấm bằng MBA danh giá, chị Thuỷ sang Singapore theo đuổi nghiệp vụ ngân hàng đầu tư hơn 10 năm ở ANZ trước khi nhận lãnh sứ mệnh dẫn dắt ngân hàng này xâm nhập vào thị trường VN. Từ một nhà băng với 100 người và không có nhiều tiếng tăm so với các ông lớn như HSBC và Citibank, sau vài năm, ANZ đã vươn lên trở thành một ngân hàng bán lẻ hang đầu với số lượng nhân viên tới 1.300 người trên toàn Đông Dương. Chị Thuỷ trở thành CEO của ANZ khu vực Đông Dương – nữ lãnh đạo người Việt có vị trí cao nhất trong các DN xuyên quốc gia đang hoạt động tại VN. Rời ANZ Việt Nam hàng chục năm gắn bó, chị Thuỷ tạm dừng chân trên cương vị CEO của VIB Bank một thời gian ngắn trước khi làm trưởng đại diện cho NH Quốc gia Úc.

Thảo Griffith - Cuộc đời là những chuyến đi

Bất kỳ ai đã gặp Nguyễn Thu Thảo, được biết đến trong giới ngoại giao với cái tên Thảo Griffith hẳn sẽ luôn tự hỏi: Người phụ nữ bé nhỏ này lấy đâu ra năng lượng sống tràn đầy đến vậy. Hôm nay gặp Thảo ở Hà Nội, ngày mai đã thấy Thảo lặn lội ở Quảng Bình, Quảng Trị, theo chân các đoàn rà phá bom mìn. Tuần sau đã thấy Thảo ở tận Costa Rica tham dự một hội thảo quốc tế, hay đang ở Mỹ để vận động Quốc hội cho khoản ngân sách hỗ trợ các nạn nhân da cam/dioxin.

{keywords}
Thảo Griffith trong một chuyến thực địa thăm các trẻ em nạn nhân dioxin

Cô gái đến từ Hà Giang đã chinh phục nhiều chính khách ngoại giao bằng nhiệt huyết, sự phóng khoáng và nghị lực đặc biệt. Thảo được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều lần sau khi cô tham gia giúp đỡ đưa nhà toán học người Mỹ nổi tiếng Seymour Papert bị hôn mê vì tai nạn giao thông ở Hà Nội trở về nước. Ở tuổi 30, Thảo trở thành người Việt đầu tiên được trao trọng trách đứng đầu Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại VN (VVAF) – vị trí vốn chỉ dành cho người Mỹ - sau khi cô tốt nghiệp thạc sỹ quan hệ quốc tế ở Washington DC theo chương trình học bổng Fulbright.Nhưng hành trình của Thảo vẫn chưa dừng lại ở đó.Hiện Thảo vừa làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Úc, vừa đảm nhận nhiều trọng trách ở Việt Nam.Cuộc sống hiện tại của Thảo là những chuyến bay giữa Úc – nơi chồng và hai con chị đang sinh sống – và Việt Nam, nơi có công việc và bạn bè của chị.

Cá tính Trang Hạ

{keywords}
Nhà văn Trang Hạ

Trong khi đó, Trang Hạ được đông đảo công chúng biết tới như một nhà văn – nhà báo – dịch giả đầy cá tính.Gặp Trang Hạ chưa bao giờ dễ dàng.Không phải vì chị khó tính mà bởi vì Trang Hạ quá bận rộn.Một năm 365 ngày thì chị quay hình talkshow, tư vấn radio trực tiếp, chưa kể những chuyến “phượt” theo sở thích, những chuyến đi từ thiện vùng sâu vùng xa, những bài vở chồng chất của người cầm bút, trách nhiệm cơm áo gạo tiền với gia đình ba con. Hiện Trang Hạ là giám đốc thương hiệu cho Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON đồng thời đảm nhận nhiều chiến dịch truyền thông hỗ trợ cộng đồng.

Những người phụ nữ như chị Thuỷ, Trang Hạ hay Thảo Griffith không còn trở nên hiếm hoi trong một xã hội phụ quyền truyền thống đang biến đổi như Việt Nam nữa. Người ta đang nói đến ngày càng nhiều về “sự lên ngôi” của nữ giới, khi mà nhiều người phụ nữ nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội. Thế nhưng, sự tiến bộ về chính sách và thể chế dường như đi quá nhanh so với sự tiến bộ về nhận thức của đàn ông và kể cả một bộ phận không nhỏ phụ nữ Việt.Không ít cô gái xinh đẹp tuyên ngôn phải tìm những người đàn ông “đại gia” lắm tiền để dựa dẫm. Không ít người phụ nữ vẫn nêu cao “tam tòng, tứ đức”, đề cao đức hi sinh tất thảy cho chồng con, đến quên bản thân mình như một giá trị cốt lõi của phụ nữ.

Vậy những người phụ nữ quyền lực này nghĩ gì về nữ quyền – một khái niệm rất hot hiện nay? Trên bước đường đi tới thành công, họ đã gặp những thách thức trở ngại nào chỉ vì họ là phụ nữ?Họ đã vượt qua định kiến “đàn bà thì biết gì” của một thời như thế nào để trở thành những nhà lãnh đạo?Liệu những người phụ nữ thành công thì phải đánh đổi với hạnh phúc gia đình hay chỉ còn nước “lấy chồng Tây”?Họ quan niệm và nuôi dạy con ra sao? Liệu có xảy ra cuộc đổi ngôi trong vai trò giữa người phụ nữ và người đàn ông trong xã hội Việt Nam?...Rất nhiều câu hỏi thú vị có thể đặt ra với các vị khách mời TẠI ĐÂY!

•    VietNamNet