- Giờ này Vũ Thanh đang “đi trong tươi xanh… của bầu trời”, 14 năm vắng bóng nhạc sĩ, nhưng ông vẫn sống mãi với những ca khúc bất hủ…

Ngày 15/11/1964 Nhà thơ Tố Hữu đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Trong buổi gặp mặt này ông có đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” ông mới viết về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi – Người đã đặt mìn ở chân cầu Công Lý để giết Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mac-na-ma-ra:

“Có những phút làm nên lịch sử

Có cái chết hóa thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có con người như chân lý sinh ra”

Hồi đó tấm ảnh Nguyễn Văn Trỗi trước giờ xử bắn, cánh tay bị trói chặt vào cây cột sau lưng, nhưng đôi mắt anh rất sáng, vẫn hiên ngang nhìn thẳng vào quân thù. Tấm ảnh ấy đã gây xúc động hàng triệu triệu người trong và ngoài nước. Trước lúc hy sinh anh còn hô vang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ” và ba lần anh hô “Hồ Chí Minh muôn năm”. Hôm đó là ngày 15/10/1964 - Người thợ điện, người con của quê hương Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam đã đi vào bất tử cùng lịch sử.

Qua buổi nói chuyện của nhà thơ Tố Hữu, anh chị em biên tập văn nghệ trong và ngoài Đài, chúng tôi thầm hứa sẽ kịp thời ngợi ca tấm gương sáng chói này, bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Những ngày ấy chúng tôi đã biến “Căm thù thành sức mạnh nhân đôi” và ai cũng có tác phẩm về anh Nguyễn Văn Trỗi. Sau đó không lâu, nhà báo Trần Đình Vân (Thái Duy) cũng đã gặp chị Phan Thị Quyên (vợ anh Nguyễn Văn Trỗi). Bằng ngòi bút của mình, bằng giọng văn xúc động đã kể lại cuộc sống và tư cách của anh Trỗi hàng ngày và sau sự dũng cảm của anh trong những ngày bị bắt và bị tra khảo – qua cuốn sách “Sống như anh”.

Cố nhạc sĩ Vũ Thanh

Khi mới còn là bản thảo, nhà báo Trần Đình Vân cũng đã đến Đài TNVN kể chuyện cho các biên tập viên và cộng tác viên nghe  cũng để cho chúng tôi thêm cảm hứng mới. Trong thời gian này một ca khúc nổi trội và gây ấn tượng nhất bằng giọng hát của nghệ sĩ Tuyết Thanh, đó là bài hát “Lời anh vọng mãi ngàn năm” của nhạc sĩ Vũ Thanh:

Sáng mãi tên anh người con của đất nước

Sông núi reo ca người anh hùng Thành Đồng bất khuất

Nguyễn Văn Trỗi…Nguyễn Văn Trỗi…

Hình ảnh anh dũng của anh Trỗi không chỉ “Vọng về Vê- nê- du-ê- la” tận Mỹ La tinh mà làm cả thế giới khâm phục ca ngợi và “Noi gương anh còn có triệu triệu người” đứng lên để trả thù cho anh. Bài hát đã nhanh chóng đi vào lòng người. Rất nhiều thính giả lúc đó (và cả đến nay) đều gửi thư về Đài TNVN đề nghị được nghe lại.

Tết dương lịch 1967 Tổng biên tập Trần Lâm gợi ý cho Ban biên tập Văn nghệ làm một chương trình riêng về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi thông qua ba tác phẩm văn thơ nhạc. Tôi được Trưởng Ban biên tập Phạm Tuân giao nhiệm vụ đó. Ngoài chuyện bình văn, bình thơ của Trần Đình Vân và Tố Hữu, tôi đặc biệt bình sâu vào bài hát của Vũ Thanh bằng cuộc phỏng vấn tác giả. Nhân đó mà Vũ Thanh cũng nói được đôi điều về sáng tác và về mình.

Vũ Thanh tên đầy đủ là Vũ Văn Thanh (1933 – 1997) quê gốc ở Từ Liêm, Hà Nội, sinh ra ở Phú Thọ. Năm 1957 là diễn viên hát của Đoàn Ca nhạc Đài TNVN. Bốn năm sau, ông  chuyển sang công tác biên tập. Năm 1982 sau hai năm đi giúp Đài Phát thanh Cam-pu-chia với công việc biên tập, thu thanh phần âm nhạc, ông trở về phụ trách Phòng Nhạc mới. Đến năm 1990 là Phó Trưởng Ban biên tập âm nhạc cho đến khi nghỉ hưu.

65 năm cuộc đời và gần 40 năm công tác ở Đài TNVN nhạc sĩ Vũ Thanh đã để lại cho nhân dân Thủ Đô cũng như cả nước hình ảnh “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công, đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm Đồng Xuân. Nghe náo nức trong lòng Thủ Đô ta sục sôi đánh Mỹ”(Bài ca Hà Nội – 1965). Và “Em nghe chăng trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình. Hà Nội mùa thu ôi xao xuyến trong lòng ta. Như bâng khuâng nghe gió sương vang vọng giữa Ba Đình” (Hà Nội mùa thu – 1983).


"Bài ca Hà Nội" - ca sĩ Khánh Linh trình bày trong chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi" 2010 do Báo VietNamNet tổ chức

Trong các ca khúc của mình Vũ Thanh không chỉ chú ý tìm tòi giai điệu mà ông còn biết khái quát vấn đề cùng với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời ca và ngôn ngữ âm nhạc. Điều này thể hiện rất rõ trong các ca khúc: Rừng chiều, Cá lội đồng xanh, Các anh về giữa Huế thân yêu, Vũng Tàu biển hát, Thả chiều vào tranh, Cảm xúc trên đường Pnôm-Pênh v.v…

Em đi trong tươi xanh

Chim hòa bình tung cánh

Mênh mang một bầu trời

Ánh cờ sao lấp lánh…

Vũ Thanh còn có 2 ca khúc mà các em thiếu nhi hát nhiều,đó là “Em đi trong tươi xanh” và “Gửi chú Giải phóng quân”. Trong một lần đến tỉnh Cao Bằng dự tổng kết cuộc thi hát của các em thiếu nhi. Tôi cùng các ông Phạm Tuân, Mộng Lân và Vũ Thanh đã chứng kiến một “sự kiện” ngoài dự kiến.

Mở đầu chương trình là dàn đồng ca rất đông các em thiếu nhi cùng hát bài “Em đi trong tươi xanh”. Thông thường tiết mục mở đầu chỉ hát 2 lần, nhưng hôm đó hát đến 6 lần và còn lặp đi lặp lại. Lúc đầu tôi nghĩ là do ý đồ của đạo diễn và chỉ huy dàn dựng như thế, nhưng tôi nhầm, không phải vậy.

Vì sự có mặt của nhạc sĩ Vũ Thanh, tác giả của bài hát ấy, nên các em đã tự động bảo nhau hát đi hát lại để chào đón tác giả và thay cho lời mời nhạc sĩ lên sân khấu. Khi Vũ Thanh bước lên sân khấu thì cả dàn đồng ca mới dừng hát và bước xuống vây quanh người nhạc sĩ lần đầu tiên được gặp. Vũ Thanh ôm không hết hoa và chỉ nói được 3 lần tiếng “Cảm ơn” vì quá cảm động.

Giờ này Vũ Thanh đang “đi trong tươi xanh… của bầu trời”, 14 năm vắng bóng nhạc sĩ, nhưng ông vẫn sống mãi với những ca khúc bất hủ cho người lớn hát và cho các em thiếu nhi. Mỗi lần nghe “Sáng mãi tên anh…” chúng tôi lại nhớ  đến Vũ Thanh.

Nhạc sĩ  Dân Huyền