- Nhạc sĩ Tuấn Khanh lên tiếng về những câu chuyện không tử tế trong làng nhạc Việt, nơi người ta đánh tráo khát khao thực dụng với lòng đam mê nghệ thuật.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh
 

Âm nhạc như một “dịch vụ son phấn”

 

* Thưa anh, anh suy nghĩ gì về những nghịch lý trong câu chuyện thu nhập của nghệ sĩ trong làng văn nghệ giải trí hiện nay. Khi mà một ca sĩ có thể kiếm được vài chục triệu chỉ với 3 bài hát trong một show, còn một diễn viên kịch chỉ được vài ba trăm ngàn cho một đêm diễn dài 3 tiếng?

 

* Trong những câu chuyện về nghề, tôi vẫn luôn nhận được nhiều thông tin về việc thu nhập cao đến mức khó tin của các ca sĩ, nhạc sĩ hiện nay… mọi thứ đều có nguyên cớ và bối cảnh của nó, nhưng về mặt bằng mà nói, hiện đang có quá nhiều điều khiến cho những người làm nghề phải suy nghĩ. Âm nhạc lúc này giống như một thứ dịch vụ son phấn trang điểm cho xã hội, nó tạo dáng vẻ hào nhoáng cho cá nhân và sự kiện, khiến thúc đẩy mọi thứ cao giá hơn. Nhưng đồng thời bộc lộ nhiều bất cập hơn.

 

Có lần, tôi có trò chuyện với một ca sĩ đang tham gia dự thi hát, một giọng ca cũng như mọi người bình thường, thậm chí còn có vẻ thô kệch về mọi thứ. Cô gái này tìm đến tôi tâm sự và rớt nước mắt vì sự bất lực trong nghề nghiệp của mình, rất đáng thương. Nhưng rồi vào cuối chương trình, khi may rủi có được chút tiếng tăm, cô đột nhiên trở giọng đến ngạc nhiên. Khi tôi chứng kiến cô nói bằng một giọng rắn rỏi với một người mời hát chương trình cho công nhân, rằng tầm cỡ của cô hát 3 bài phải lấy 2000 USD, thì đó là một con người hoàn toàn khác, mà chính ngành thương mãi âm nhạc đã dựng nên. Và rồi với khả năng rất bình thường mà tôi được biết, cô gái đó có mức thu nhập cao hơn bao nhiêu lần những người nghệ sĩ cật lực miệt mài khác mà tôi được biết, thậm chí ngay trong ngành âm nhạc chứ không đâu xa.

 

Và khi nói về sự khác biệt của thu nhập, thật ngẩn người khi biết một diễn viên kịch nói hay cải lương phải làm việc đến kiệt sức và không thể chạy nhiều show trong đêm, nhưng thu nhập thì chỉ bằng một phần rất nhỏ với những ca sĩ, trong đó có những người chỉ biết chưng diện và không hề biết hát. Thậm chí với anh Thành Lộc, người mà tôi hết sức ngưỡng mộ, cũng không thể ngờ rằng thu nhập một đêm diễn của anh cũng không bằng phân nửa của một ca sĩ thích phô trương vô nghĩa ở các cột điện hay bờ tường.

 

Một xã hội nghệ thuật chông chênh về giá trị như vậy, những khán giả tử tế chỉ còn biết cầu mong vào lòng yêu nghề và sự hy sinh của một lớp nghệ sĩ như sự cứu rỗi tinh thần cho đời sống mà thôi.

 

Những người trẻ đang đua chen ở những cuộc thi âm nhạc trên truyền hình vì khát khao thực dụng hay đam mê nghệ thuật?

“Đam mê nghệ thuật bị đánh tráo bởi khao khát thực dụng”

 

* Vậy thưa anh, làm việc trong ngành âm nhạc hiện nay, với một số người, đang là giấc mơ giàu có?

 

* Gần đây, tôi có nhận hẹn gặp một cô gái rất đẹp, giọng hát thì tạm được. Cô nói rất nhiều rằng cô yêu âm nhạc vô cùng và sẳn sàng làm hết sức để được đứng trên sân khấu. Nhưng khi nói chuyện về con đường sự nghiệp, cô gái này rất nhanh chóng bỏ rơi lớp vỏ bọc đó và đề cập rằng “liệu em có thành siêu sao hoặc kiếm tiền được nhiều không?”

 

Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà tôi gặp, và những ví dụ như vậy đủ cho tôi hiểu rằng nhiều người của thế hệ trẻ hôm nay đang lao vào nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, trong tình trạng đánh tráo ý nghĩa của lòng đam mê với những khao khát thực dụng. Sự lãng mạn cho nghiệp dĩ bị bóp chết từ trứng nước như vậy, thật khó cho nhiều năm nữa, chúng ta tìm lại được một lớp ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ nói chung đủ sức đảm đương cho cho tính tử tế của văn nghệ Việt.

 

* Phải chăng việc định giá lao động nghệ thuật trong ngành giải trí của chúng ta đang có vấn đề?

 

Câu hỏi ở đây là ai định giá? Và cái gì làm nên những bảng giá đó? Một ngày mới trên bề mặt của truyền thông, người chỉ thấy rộn rịp chuyện nude, bán nude, chuyện scandal của ông tai bà tiếng – không gian nào còn cho sự phát triển nghệ thuật? Và nếu được vinh danh, tôi nghĩ những nghệ sĩ có lòng tự trọng cũng ngại đứng cùng một bản tin với chuyện nóng bỏng chăn chiếu đang được vồ vập.

 

Đôi khi tôi nghĩ rằng phải chăng chúng ta đang rơi vào một giai đoạn, mà “giá” của một nghệ sĩ là sự chọn lựa rất dứt khoát: Hoặc bước vào sự nhộn nhịp, đem phẩm giá, công việc, đời của mình… ra buôn bán như món hàng; hoặc chọn rút ra khỏi đó, và miệt mài làm công việc của mình và nhìn vào truyền thông, văn nghệ đại chúng hiện tại bằng một nụ cười khẩy.

 

Chắc chắn, một nghệ sĩ sống với nghề đúng nghĩa sẽ chẳng bao giờ “hot” cả, vì họ không biết tự rùm beng đời mình hoặc tự cởi áo trên mạng để được tăng giá cát-sê.   

 

Thành Lộc, người nghệ sĩ mà thù lao một đêm diễn” không bằng phân nửa của một ca sĩ thích phô trương vô nghĩa ở các cột điện hay bờ tường”

“Trào lưu tự huyễn”

 

* Làng giải trí đang chứng kiến sự có mặt của những người (có vẻ) sống khỏe nhờ vào những danh hiệu được truyền thông gắn cho như “hot boy”, “hot girl”, “người đẹp”…mà chẳng thực sự gắn với một loại hình lao động nào. Phải lý giải thế nào về hiện tượng này, thưa anh?

 

Xã hội đang trong trào lưu tự huyễn hoặc và thích làm đẹp mình, thì những điều đó đang là son phấn của xã hội. Loại son phấn đó có giá cả của nó và cũng được cập nhật, thay thế thường xuyên, tùy theo tâm trạng của một đám đông đang đòi hỏi điều đó. Đó là cảm giác của cá nhân tôi.

 

* Rất nhiều nghệ sĩ đang thích lên các phương tiện truyền thông đại chúng để khoe những giá trị vật chất mà họ có được, từ chiếc áo tiền tỷ, cho đến biệt thự, xe hơi…Phải chăng vật chất là một thước đo của thành công trên con đường nghệ thuật?

 

Sự phân hoá trí thức trong một lớp nghệ sĩ cũng tạo nên điều đó. Rất nhiều ca sĩ chọn cách rửa mặt cho sự bất tài của mình bằng xe hơi, hàng hiệu. Sự vay mượn đó làm họ bớt đi phần nào mặc cảm về các giá trị sản phẩm nghệ thuật họ đưa ra, bị công chúng quay lưng hay quên lãng. Tôi tin là trừ một vài trường hợp cá biệt có thu nhập thật sự cao từ tài năng của mình, phần lớn đều đàn dựng một sân khấu kệch cỡm và tội nghiệp của đời mình.

 

Tôi vẫn nhớ đến các câu chuyện như Keanu Reeves quyết bỏ số cat-sê triệu đô ở Speed 2 để qua đóng phim Devil’s Advocate với thù lao thấp hơn nhiều lần, chỉ mong được đóng chung và học hỏi nghề với Al Pacino. Hay chuyện Elton John được mời riêng đến hát cho tiệc của một gia đình tỷ phú, giá cao ngất trời, nhưng trước khi bắt đầu buổi diễn, người ta khám phá rằng ông lẳng lặng ra về vì nhìn thấy đó là những kẻ có tiền vô học và lố bịch. Sẽ còn lâu lắm chúng ta mới có được những nhân cách nghệ sĩ như vậy, phần lớn những gì trên bề mặt mà công chúng đất nước này đang nhìn thấy, là nhan nhản sự bất tài và thiếu lòng tự trọng.     

 

Được mời hát cho tiệc của một gia đình tỷ phú, danh ca Elton John lẳng lặng bỏ ra về vì nhìn thấy đó là những kẻ có tiền vô học và lố bịch.
* Là giám khảo của nhiều cuộc thi ca hát và có nhiều kinh nghiệm dẫn dắt các giọng ca trẻ mới vào nghề, anh thường chia sẻ với họ điều gì về cách ứng xử với chuyện thù lao, tiền bạc?

 

* Tôi luôn nói với họ rằng sự bất công của các giá trị mình đưa ra với công chúng là điều hiện thực nhất, buộc lòng chúng ta phải chấp nhận tạm thời. Trong một xã hội đầy những bất cập như vầy, thì hãy quyết định chọn việc kiếm tiền là ưu tiên hay sống cho một đời nghệ sĩ là ưu tiên. Nếu kiếm tiền, hãy sắp đặt một kế hoạch thật nhanh vào vòng xoáy thương mãi để có được tối thiểu những gì như ý muốn, hoặc sống và là được điều mình muốn với thu nhập khiêm tốn.

 

Tôi không khuyến khích nghệ sĩ tử tế là phải nghèo, nhưng vào lúc này, làm giàu và tha hoá tính nghệ sĩ của mình thì tôi không chọn và không khuyến khích ai chọn nó. Chung quanh tôi và trong thế giới nghệ thuật nói chung này, vẫn có vô số những con người làm nghệ thuật tử tế rất khó khăn. Nếu chúng ta có cơ hội thì hãy tận dụng đúng với cơ hội đó với lương tâm và lòng tự trọng, nhưng đừng quên là không bao giờ biến mình thành kẻ cơ hội. Nghe rất chán, đúng không? Quả là rất nhiều nghệ sĩ trẻ đã đến tìm tôi và bộc lộ rằng họ chán nghe điều đó, họ nói rằng họ muốn điều đơn giản hơn.

 

Xin cảm ơn anh!

 

Minh Chánh thực hiện