Mang trong mình hai dòng máu Pháp, Việt, là chứng nhân những biến cố đau thương của lịch sử dân tộc và gia đình, anh thấm thía hơn ai hết những mất mát trong đời sống và văn hóa Việt suốt hành trình 30 năm qua...
Hà Nội ngày đầu đông, Nhất Lý đón tôi tại phòng thu Đông Kinh của riêng anh bên bờ Hồ Tây, nơi anh gọi là "phòng thí nghiệm", dể hoài thai những dự án âm nhạc của mình. Màu áo nâu sồng, nụ cười rạng rõ, mái tóc bạc trắng, phong thái khoan thai và tĩnh tại. Sự tĩnh tại có được sau bao mất mát, đau thương. Mang trong mình hai dòng máu Pháp, Việt, là chứng nhân những biến cố đau thương của lịch sử dân tộc và gia đình, anh thấm thía hơn ai hết những mất mát trong đời sống và văn hóa Việt suốt hành trình 30 năm qua...Sự vô cảm là mất mát lớn nhất của dân tộc
Câu chuyện của chúng tôi quay qua quay lại vẫn là câu chuyện đất nước, sự mất mát về đời sống văn hóa, nhân văn trong quá trình phát triển hôm nay, cái giá mà người Việt Nam phải trả.
Nhìn lại những được mất của 30 năm đổi thay, gương mặt anh đầy suy tư: "Đất nước đã hội nhập kinh tế, bắt đầu làm giàu, điều đó không ai phủ nhận, nhưng văn hóa thì phức tạp hơn nhiều. Có thể đổ tội cho hoàn cảnh, chiến tranh, nhưng hố sâu nhất của mất mát do người Việt nam đào. Chính người Việt chối bỏ văn hóa cội nguồn, văn hóa dân tộc mình. Sự đứt đoạn trong nối tiếp tinh thần văn hóa dân tộc đã có từ ngàn năm không do chiến tranh, không do hoàn cảnh kinh tế, mà do ý thức hệ tạo ra".
Nếu ca trù không bị cấm, bị sỉ nhục là của giai cấp bị bóc lột, nếu hát văn không bị gán là mê tín dị đoan thì hôm nay nó vẫn còn sống nguyên vẹn trong lòng người Việt...Cả dân tộc xả thân, hy sinh bao nhiêu xương máu trong chiến tranh vì lý tưởng dân giàu, nước mạnh. Nhưng hơn 30 năm giải phóng rồi mà Việt Nam vẫn nghèo, điều đó ai cũng biết. Chúng ta cứ hô hào người Việt Nam thông minh, cần cù, điều đó phải xem xét lại...
Tự coi mình là luôn luôn đúng, là thông minh, nên đâu thấy cái giá phải trả , đâu thấy phải học hỏi thêm ai. Làm kinh tế mà thiếu trách nhiệm, dễ dãi cũng là do thiếu văn hóa. Có lễ mỗi người Việt Nam phải xác định lại chuyện đó, đừng đổ tội cho chính thể, cho các nhân nào vì trong chừng mực nào đó họ cũng là người đại diện cho nhân dân.
Anh nói: "Ngày nay nhiều người tệ quá, không còn biết mình là ai, không còn phản ứng, cảm xúc bị trơ rồi". Ngày xưa khi có điều không đúng không phải, không hay, dân lên án liền. Còn bây giờ nhiều chuyện ai cũng hiểu nhưng không ai bày tỏ thái độ. Sự vô cảm là mất mát lớn nhất của dân tộc Việt Nam".
Cảnh trong vở xiếc Làng tôi
Khủng hoảng lớn nữa theo anh là đánh mất thẩm mỹ, không nhìn ra cái đẹp và cho cái xấu thành đẹp. Khủng hoảng thẩm mỹ ở cả người trẻ và người già, thậm chí ăn không biết thế nào là ngon, thẩm mỹ nghe thì quá tệ. Một hiện thực đau lòng là từng ngành hoạt động quá kém hiệu quả.
Nuôi bao nhiêu đoàn hát, làm bao nhiêu lễ hội, tốn bao nhiêu tiền mà thử hỏi có ích lợi gì? Chúng ta thường đi từ thái cực này sang thái cực khác, từ chỗ quá khắt khe đến chỗ buông hết, để ai muốn làm gì thì làm là không đúng. Có lẽ ở Việt nam, làm ăn phi pháp dễ nhất, chỉ cần có tiền...
Ngày hôm nay, ai cũng nhìn ra điều đó, và hô hào sửa sau. Nếu không có sự đứt đoạn văn hóa thì chúng ta không cần phải hô hào như thế. Chỉ có điều mọi chuyện không còn tinh thần như trước. Tất cả chỉ mang tính hình thức, giáo điều, vì không còn ai nghe, không ai tin, không còn ai theo. Trong hoàn cảnh đó làm gì cũng khó.
Văn hóa thiếu một hiện đại nội sinh
Chúng ta cứ hô hào phải xây dựng một nền văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng thế nào là bản sắc? Trong đời sống, tất cả lý thuyết, điều tốt đẹp phải xảy ra bằng những hành động, hiện tượng cụ thể. Đâu phải cứ đội nón bài thơ là Việt Nam, cứ du nhập iPhone, chạy Mercedes là thành hiện đại, điều đó đúng nhưng chỉ làm một thứ chín ép, thiếu hiện đại nội sinh.
Muốn làm văn hóa nghiêm túc, vấn đề trước tiên phải xác định lại một số tiêu đề nền tảng. Rất khó khăn, kể cả muốn làm thật, huống chi không ai muốn làm thật cả. Con người ta trước tiên phải ý thức đã, sau đó mới chọn lựa. Chưa giác ngộ, không chọn lựa, mà chỉ làm một cách vội vàng, chộp giật, đó là thực tế đang xảy ra...
Bản chất của chọn lựa là "từ bỏ" không phải là "lấy". Ngày hôm nay, để hiểu mình là ai, mình muốn gì rất khó. Nguồn gốc là do việc hiểu nhầm. Nhất Lý cho rằng: "Quan niệm của tôi về nguồn gốc khác với quan niệm hiện nay. Người ta cứ đào bới trong quá khứ để tìm cách làm ra cái riêng biệt, nhưng đi tìm bản sắc văn hóa là phải xác định tiêu chuẩn đầu tiên thời đại nào? Không gian nào? Mấy trăm năm trước Sài Gòn có phải của Việt Nam không?
Hãy nhìn nhận văn hóa một cách bình tĩnh, không đào bới quá khứ, hãy nhìn ngày hôm nay người Việt có nem, có nước mắm, giá trị văn hóa khác biệt của những dân tộc sống trên mảnh đất này là văn hóa Việt Nam, và hành xử trên cái nền tảng đó mà xây dựng một ngôi nhà mới.
Làm văn hóa phải có ý thức tự do độc lập. Chúng ta cứ hô hào hiện đại, dân tọc, nhưng lại du nhập hiện đại, du nhập dân tộc, sao chép người khác, cách làm không có cơ sở khoa học. Nhiều chuyện mất đã đời, nhưng những người có trách nhiệm không thấy đau xót gì".
Nếu phát triển kinh tế chỉ là khai thác tài nguyên, xuất khẩu tài nguyên dạng thô với giá rẻ mạt thì văn hóa chúng ta cũng không có sản phẩm chất lượng để bán. Hiện nay, chúng ta chỉ có nhan nhản những sản phẩm "nhái" ca trù. Không biết cái hay, cái đẹp của hát văn, hát bội thì làm sao gìn giữ đúng nguồn gốc, đúng chất lượng. Sản xuất một mặt hàng là chương trình biểu diễn nếu không tìm hiểu thị trường, cọ xát nghiên cứu, cứ nói chuyện cũ, học lỏm người ta thì không bao giờ lớn được.
Xiếc Việt Nam không thể đột nhiên có một chương trình như Làng tôi. Muốn có sự thay đổi lớn trong đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam cần tạo ra những nhóm làm việc có mối quan hệ sản xuất hoàn toàn thận trọng, phù hợp với hội nhập....
Đề cập đến tương lai của xiếc Việt Nam anh cho rằng: "Nếu biết đầu tư, có thể 100 năm sau sẽ có xiếc tre, đây là cơ may của Việt nam. Phải có đường lối rõ ràng từ đào tạo. Sau khi tạo được tiền đề, tạo sản phẩm, phải phát triển nó lên. Tôi đang làm việc với trường xiếc, nghệ sĩ Việt Nam kỹ thuật quá yếu, đòi hỏi phải có thời gian tập luyện mới gìn giữ Làng tôi thành một chương trình kinh điển. Nhưng làm được không là chuyện khác. Một mình nếu có rất nhiều tiền cũng không giải quyết được mọi chuyện, phải có con người, tổ chức. Nếu không tập trung được sức mạnh cộng đồng để tạo sự thay đổi, thì làm sao có tự do độc lập trong văn hóa. Nhà nước phải lo chuyện của cộng đồng. Tại sao ngày xưa, Cụ Hồ kêu gọi được nhiều kiều bào về xây dựng đất nước? Chúng ta chỉ quan tâm đến kiều hối. Kiều hối để làm gì? Muốn có tiền thì đã có nhà băng, biết là thì có lời thôi..."
Trong mọi thăng trầm, cuộc đời rất đẹp và đáng sống
Thành công vang dội ở Pháp và chu du vòng quanh các nước châu Âu, Làng tôi của anh mới được trở lại nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình. Con đường thác ghềnh của Làng tôi cũng là con đường chông gai mà anh đã trải qua, để mang lại cho công chúng Việt nam và thế giới một sản phẩm nghệ thuật đậm đặc bản sắc văn hóa, tâm hồn Việt.
Làm thế nào mà một đứa con lai như anh, từng bị hắt hủi, từng chứng kiến nỗi đau của cha khi bị buộc phải rời khỏi quê hương một lần nữa lại khiến chúng ta rung động đến thế với Làng tôi? Không ý thức được sự mâu thuẫn cụ thể trong gốc gác của mình, nhưng với xã hội, anh luôn bị coi là "Tây lai", đi đâu cũng bị trẻ con bu và trêu chọc. Khi sang Pháp diễn Làng tôi, người ta lại nói rằng anh không giống người Pháp....Vì các sự "ở giữa" này mà không ai cho anh tư cách đại diện văn hóa nước nào cả. Nhưng bản thân, anh biết mình Việt Nam hơn Pháp, vì tuổi ấu thơ anh sống ở Việt Nam, tâm hồn anh hoàn toàn Việt Nam. Anh nghĩ anh là người Việt, nhưng không ai nhìn nhận anh là người Việt...
Trong cái rủi có cái may. Nhờ có độ lùi văn hóa Việt Nam trong thời gian dài, khi quay lại, tự nhiên thấy cái đẹp mà người ở đó không nhận thấy. Nhưng nhận biết là một chuyện, trình bày nó ra như thế nào là chuyện khác, nó phụ thuộc vào ngôn ngữ. Làng tôi thành công được là nhờ thay đổi cách nhìn, thay đổi thế giới quan, biết người ta sau đó mới nhìn lại mình.
Tạo ra cái làng để người xem cảm giác rõ nhất về văn hóa Việt, từ cách kiến trúc, ăn mặc, đi lại, ứng xử, giao thương, sinh hoạt văn hóa...với tinh thần thật mộc. Ý thức việc này, nhiều năm nay anh đã gặp gỡ, tìm hiểu về làng, về ca trù. Muốn hiểu ca trù phải tìm đến những con người còn giữ được những tinh túy, tinh hoa. Muốn biết đến làng, phải thấm mùi của những mái rạ, mùi của con tôm con cá, đời sống hàng ngày của người nông dân...Thời sơ tán anh đã nếm trải những điều ấy, khi làm Làng tôi, tất cả đều trỗi dậy. Sắp tới, để tính bài toán nghệ thuật theo đúng quy trình của nhà kinh doanh, mới hy vọng đến được công chúng...
Theo SGTT