{keywords}
NSND Quốc Hưng, Đào Văn Mác, Lương Nguyệt Anh, thầy Lê Gia Hội, Phan Hoàng, Lê Anh Dũng, Nguyễn Quang Long (từ trái sang). 

Liên tiếp trong những ngày đầu năm mới, nền nghệ thuật nước nhà chia tay với nhiều nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực như diễn viên Tiến Hợi, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và giờ là nghệ sĩ opera Lê Gia Hội.

Sáng 13/2, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ trên trang cá nhân bài viết dài về sự ra đi của thầy mình.

"Vĩnh biệt thầy Lê Gia Hội, nghệ sĩ opera lớn của nền âm nhạc Việt Nam! 

Ông là nghệ sĩ opera xuất sắc trong lứa nghệ sĩ trên cả tài năng mà tôi xin được trân trọng dùng từ huyền thoại của nền âm nhạc mới Việt Nam. Các nghệ sĩ xuất hiện ở thời điểm lịch sử của dân tộc, của âm nhạc Việt Nam. Đó cũng là giai đoạn đẹp nhất đề cao tính nghệ thuật thường được gọi là bác học của âm nhạc nước nhà.

Ông là diễn viên thế hệ đầu tiên của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, đã đảm nhận nhiều vai giọng tenor trong các vở opera của nhà hát. Có thể nói trong suốt cuộc đời hoạt động âm nhạc, ông đã liên tục, và có lẽ là người duy nhất, đóng vai chính trong tất cả các vở nhạc kịch Việt Nam và quốc tế quan trọng được Việt Nam dàn dựng.

Nhắc đến opera Việt Nam không thể không nhắc tới những cái tên hàng đầu như: NSND Trung Kiên, NSND Qúy Dương, NSND Trần Hiếu, NSƯT Ngọc Dậu, NSƯT Lê Gia Hội. Nếu như nghệ sĩ Trung Kiên với chất giọng nam cao đanh thép, giọng của nghệ sĩ Quý Dương được ví mượt như nhung, nghệ sĩ Trần Hiếu sở hữu giọng nam trầm độc nhất thì nghệ sĩ Lê Gia Hội sở hữu một chất giọng nam cao sáng đầy hào sảng như vút vào lòng người nghe.

Ở ngoài sân khấu, có những câu chuyện về dân nhạc được thế hệ trước nhắc đến nhiều, chẳng hạn trong số các nam ca sĩ ở Hà Nội một thời, có Quý Dương và Lê Gia Hội là hai nghệ sĩ nổi tiếng đẹp trai và hào hoa bậc nhất. Trong khi cảm nhận cá nhân của tôi, thầy Lê Gia Hội là một người hài hòa, không bon chen mà âm thầm, lặng lẽ cống hiến cho âm nhạc. Ông tham gia giảng dạy thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trong nhiều năm, đã chắp cánh cho nhiều tài năng âm nhạc tỏa sáng.

Có một điều tôi muốn nhất mạnh ở nghệ sĩ Lê Gia Hội, nó vừa là lợi thế nhưng cũng có thể nó là một điểm thiệt thòi cho ông. Trong số những giọng ca huyền thoại mà tôi nhắc tới, chỉ có duy nhất ông trọn vẹn với opera. Hay nói cách khác, sự nghiệp của ông gắn liền với opera và chỉ opera mà thôi. Người trong nghề ai cũng biết đến dành cho ông sự kính trọng, nể phục. Trong khi ở ngoài công chúng, opera vẫn là phân khúc đỉnh chóp của hình tam giác trong thị phần khán giả, nên không mấy người biết đến một nghệ sĩ tầm vóc như ông.

Cũng thời điểm tháng 2 của hai năm trước (2020) nhiều đồng nghiệp, bạn bè, học trò mừng nghệ sĩ Lê Gia Hội bước sang tuổi 80 vẫn khỏe mạnh và hạnh phúc bên người vợ thân yêu và con cháu. Vậy mà đêm 12/2/2022, khi mùa xuân vẫn còn tràn ngập không gian Hà Nội với cái lạnh tê tái, với những cơn mưa phùn, trên trang cá nhân của nhiều anh em nghệ sĩ Hà Nội đăng tin buồn về sự ra đi của nghệ sĩ Lê Gia Hội.

Xin tri ân ông: Một nghệ sĩ góp phần tạo nên diện mạo opera, nghệ thuật ca hát trong ngôi nhà âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Một người thầy của nhiều người thầy, nhiều nghệ sĩ âm nhạc".

Mai Linh 

NSƯT Tiến Hợi, người nhiều lần đóng vai Bác Hồ nhất qua đời

NSƯT Tiến Hợi, người nhiều lần đóng vai Bác Hồ nhất qua đời

Nghệ sĩ trang điểm Vương Đạm Thủy, vợ diễn viên Tiến Hợi thông tin với VietNamNet, chồng chị qua đời lúc 4h ngày 10/2 sau thời gian bị bệnh.