MC Thảo Vân chia sẻ, với tư cách một người mẹ, chị vô cùng đau đớn khi theo dõi vụ việc. Đây không phải lần đầu tiên bạo lực học đường xảy ra nhưng có vẻ những lần trước các hình thức chưa đủ sức răn đe.

“Quá đau đớn khi nhìn nữ sinh lớp 9 bị hành hạ và đặc biệt là đạo đức của nhóm nữ sinh kia. Không còn chút tình người, không còn chút nhân văn nào trong tâm hồn các em, điều đấy mới thật sự đáng lo ngại.

Các em đang có vấn đề gì, các em đã được sống trong môi trường thế nào để có thể hành xử như thế? Gia đình, nhà trường đã ở đâu trong lúc các em lớn lên với tâm hồn lệch lạc như thế này?”, MC Tháo Vân xót xa nói.

Với tư cách một công dân bình thường và cũng đang làm trong môi trường giáo dục, MC Thảo Vân hết sức bất bình với cách xử lý của nhà trường. Theo chị, dường như các thầy cô chưa thật sự hiểu được những ảnh hưởng nghiêm trọng mà em gái đã, đang và sẽ phải chịu đựng. Và không chỉ riêng chuyện của trường ấy, nó sẽ là câu chuyện của toàn xã hội.

“Học cái xấu thì rất nhanh, học cái đẹp mới khó. Cách giải quyết của nhà trường, của cô giáo là qua loa, che đậy và dễ dãi. Nếu cô giáo thật sự quan tâm đến học sinh hơn có lẽ những chuyện đáng tiếc thế này đã không xảy ra.

Nó xảy ra là bởi không em nào có nhu cầu chia sẻ với cô, xảy ra là vì cô chưa bao giờ để ý đến các em xem thật sự các em nghĩ gì, đang thế nào, có em nào có vấn đề gì không...

Tất nhiên là không dễ, bởi đây là giai đoạn đang lớn của các em, lứa tuổi rất nhiều chuyện… nhưng nếu thật sự sát sao thì ít nhất cũng có thể ngăn chặn được nhiều việc đáng tiếc hơn”, MC Thảo Vân nói thêm.

BTV Hoài Anh chia sẻ: “Điều gì đang quá sai ở một nền giáo dục? Thật đau khi tôi tự thấy mình vẫn không thể có được một niềm tin đó là nghề giáo. Nghề mà có trân trọng người ta mới kỳ vọng, có kỳ vọng mới phẫn nộ, xót xa trước những suy đồi, trước những nỗi thờ ơ, thiếu trách nhiệm của những thầy cô giáo.

Muôn vạn nghề vất vả nhưng hiếm có nghề nào ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách và trí tuệ con người như nghề giáo. Cũng bởi thế mà người ta trân quý, gửi gắm, kỳ vọng, và... sụp đổ!

Đằng sau những hình ảnh bạo lực và băng hoại đạo đức này là nỗi đau của em học sinh nạn nhân kia và còn là nỗi đau lớn của cả xã hội trước những con người bước vào ngành giáo dục, thực hiện công việc của mình hàng ngày nhưng để quên lòng tự trọng, phẩm chất, tình yêu thương và trách nhiệm”.

NSND Hồng Lựu bày tỏ: “Sự vô cảm đáng sợ của những người được gọi là giáo viên trước một học trò “chậm phát triển” bị đánh đập dã man như này thì có nên đứng trong đội ngũ “kỹ sư tâm hồn” nữa không? Họ dạy cái gì cho con em chúng ta?”.

Ca sĩ Tuấn Hưng cũng xót xa: “Bạn bè ai cũng nói về chuyện này. Dạo quanh một vòng Facebook thấy bức xúc vấn đề giáo dục và nhân cách. Nghiêm trọng đấy! Trẻ con bây giờ nó hung hăng quá, không biết rồi mai kia sẽ đọc và thấy được gì nữa?”.

Ca sĩ Mỹ Linh kể, hồi nhỏ chị từng là nạn nhân bị đánh hội đồng ngày này qua tháng khác. Không phải vì chị kém, chẳng phải vì dốt hay chậm chạp mà lý do mình không hoà nhập và không giống các bạn trong xóm thế là bị oánh.

“Đây là một loại “làm nhục mua vui” mà trẻ con khi không có gì chơi là tụi nó bày ra chơi. Bao giờ cũng có một con ác nhất làm thủ lĩnh mình vẫn nhớ tên nhớ mặt, nó lại còn xinh cơ. Con bé thủ lĩnh này nó còn có tính sáng tạo nữa, luôn nghĩ ra nhiều trò mới và luôn luôn có một số khán giả quen thuộc đứng nhìn hoặc cổ vũ hoặc không phản ứng gì.
Những đứa nó ác từ bé lớn lên nó cũng sẽ chọn cách sống như thế với đời. Mình không bao giờ quên khi trẻ con nó bầy đàn và ác một cách vô thức thì tụi nó đáng sợ thế nào. Lúc bản thân bị đánh thì mình chịu nhưng đến khi tụi nó oánh em mình thì mình chiến lại ra trò. Có lần có cả máu đổ”, ca sĩ Mỹ Linh kể.

Trước thông tin đề nghị cách chức Ban Giám hiệu trưởng THCS Phù Ủng và giáo viên chủ nhiệm, NSND Lan Hương, NSND Thái Bảo, NSƯT Hồng Liên, NSƯT Thanh Loan, ca sĩ Mỹ Lệ, nhà biên kịch Hồng Ngát, BTV Thanh Hường... đều bày tỏ sự hài lòng trước cách xử lý ban đầu này. Tuy nhiên, đa phần đều đề xuất phải có hình thức xử lý thật nặng 5 nữ sinh đã gây vụ việc “kinh hoàng” này để làm gương, đồng thời trả lại môi trường lành mạnh trong giáo dục.

Nhà văn Hoàng Anh Tú trải lòng, vụ cô bé lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn lột quần áo, đánh hội đồng … tới mức phải nhập viện không phải là vụ đầu tiên và chắc chắn cũng sẽ không phải vụ cuối cùng nếu như chúng ta không dạy con kỹ năng phòng và tránh bị bắt nạt trong trường học cũng như chính các trường, các thầy cô không vào cuộc tích cực.

{keywords}
Nữ sinh N.T.H.Y. đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hưng Yên.

Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, cần với các con hãy cho trẻ tập thể lực, không nhất thiết phải là học võ nhưng cứ là rèn luyện thể lực cho tốt là được. Có sức khoẻ ít nhất lũ trẻ có thể… bỏ chạy nhanh hơn khi bị vây đánh.

Bên cạnh đó, nên dạy trẻ sinh mạng là trên hết và tránh xa rắc rối với những đứa bạn hay nói chuyện đánh nhau, bạo lực hoặc thích gây sự với các bạn bè khác. Đây cũng là cách để giải trừ bạo lực cho cộng đồng của các con. Những kẻ ưa bạo lực sẽ thấy đó là điều không được ai hoan nghênh. Muốn chơi cùng hãy trở thành một đứa trẻ văn minh, lịch sự.

(Theo Dân trí)