"Hiện nay là nghệ sĩ đương đại Việt chưa quan tâm đến di sản. Việc sử dụng gượng ép các mô típ hình ảnh mang tính biểu trưng của nghệ thuật truyền thống chưa phải là kế thừa di sản", TS Bùi Thị Thanh Mai (ĐH Mỹ thuật Việt Nam) nói.

Khánh Thi, Chí Anh cùng khoe tin vui

{keywords}

Kinh nghiệm tiếp cận di sản trong sáng tác nghệ thuật đương đại của khu vực và thế giới? Nghệ thuật đương đại có thuận lợi hay không trong việc chuyển tải những vấn đề văn hóa truyền thống, di sản?... Đây là những vấn đề mà các nhà nghiên cứu và các nghệ sĩ băn khoăn trong buổi tọa đàm về "Nghệ thuật đương đại tiếp cận với di sản" tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sáng 5/7.

Nghệ sĩ chưa thấy được giá trị của di sản

Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Mai (ĐH Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng quá trình toàn cầu hóa và chuyển đổi cơ cấu xã hội đã tạo ra nhiều cơ hội đối thoại giữa các cộng đồng nhưng cũng làm nảy sinh những mối đe dọa về sự suy thoái, biến mất và hủy hoại các di sản văn hóa.

Dưới tác động tiêu cực của mặt trái hiện tượng toàn cầu hóa, những tín ngưỡng, phong tục, kinh nghiệm, những ngành nghề thủ công, giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một, thì một trong những vấn đề cần được nghệ thuật đương đại quan tâm đề cập chính là di sản. Thế nhưng hiện nay di sản chưa phải là vấn đề mà nghệ sĩ Việt Nam quan tâm.

{keywords}

Tranh của Phạm Huy Thông – một thí dụ của “đương đại tiếp cận di sản”

 "Đúng là sinh viên hiện nay không quan tâm tới di sản, truyền thống. Vậy từ đâu mà các chủ đề về truyền thống ngày càng mờ nhạt? Có 3 lý do chính: Có quá nhiều vấn đề cần đề cập, giải quyết trong thời đại này chứ không riêng gì di sản. Truyền thống và di sản, văn hóa dân gian theo cách hiểu thông thường là đại diện cho cái chung, cái đã qua cần được bảo tồn. Trong khi con người hiện đại và nghệ sĩ đương đại lại có xu thế đào sâu vào cái tôi, cái cá biệt. Không nhất thiết cứ phải vẽ cây đa, bến nước, sân đình mới là truyền thống", Phan Ngọc Hà Ninh, sinh viên ĐH Mỹ thuật VN phát biểu.

Nghệ sĩ Vũ Đình Tuấn cũng cho rằng sở dĩ nghệ thuật đương đại Việt chưa quan tâm nhiều tới di sản bởi họ chưa thấy rõ được giá trị của di sản trong đời sống tinh thần đương đại.

Không đồng tình, nghệ sĩ Khổng Đỗ Tuyền cho rằng nói nghệ sĩ Việt Nam không quan tâm tới di sản, tính dân tộc là không đúng mà ngược lại, nghệ sĩ còn quan tâm quá nhiều và coi trọng chủ đề, đề tài hơn ngôn ngữ nghệ thuật. Bởi thông qua những tác phẩm trong các cuộc triển lãm trong nước ta đều thấy các tác giả đều muốn đưa những cảm giác về không gian, về đời sống xã hội vào tác phẩm của mình. Tuy nhiên, những tác phẩm đó đa phần chỉ dừng lại ở sự mô phỏng, giới thiệu văn hóa, chứ chưa nâng lên thành một tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Cần làm ngay giáo dục di sản

Theo TS Thanh Mai giáo dục di sản là vô cùng cần thiết, các nước trên thế giới đã làm điều này từ lâu. Vậy nên, ngay từ bậc tiểu học, việc cho các em học sinh tiếp cận với văn hóa di sản là điều nên làm.

Giáo sư Trần Lâm Biền nêu quan điểm di sản phải là bệ đỡ cho nghệ thuật. Nhưng hiện nay, nghệ thuật đương đại hình như đang đối mặt với quá khứ. Thực tế hiện nay mỹ thuật đương đại vẫn chưa cắt đuôi nghệ thuật truyền thống. Chính nghệ thuật truyền thống đang làm rộn rã nền nghệ thuật hiện đại.

Muốn tính dân tộc tồn tại trong tác phẩm của mình thì phải hiểu được nền tảng văn hóa Việt. Một tác phẩm ra đời dù dưới bất cứ hình thức nào thì thần thái trong nó toát ra thể hiện được về độ am hiểu của tác giả về văn hóa Việt. Cho nên, nền tảng văn hóa, kiến thức lịch sử là rất cần thiết trong các sáng tác nghệ thuật đương đại. 

T.Lê