- Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo xúc động nói như vậy khi biết tin danh họa Lê Bá Đảng đã ra đi mãi mãi.


Họa sĩ Lê Bá Đảng sang Pháp năm 1939 làm lính thợ, tham gia các tổ chức chống phát xít của nước Pháp, bị Đức quốc xã bắt làm tù binh. Sau khi được trả tự do, từ năm 1942 đến năm 1948, ông theo học tại Học viện Nghệ thuật Toulouse và trở thành một họa sĩ nổi tiếng ở châu Âu.

{keywords}

Sinh ra tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, họa sĩ Lê Bá Đảng là người tâm huyết với nghệ thuật. Thế giới nghệ thuật hiện đại ngưỡng mộ và tôn vinh ông là hoạ sư của hai thế giới Đông – Tây, người Anh phong ông danh hiệu người nổi tiếng thế giới, người Mỹ tặng giải thưởng nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo, người Pháp tặng thưởng huân chương nghệ thuật văn học… Có quá nhiều danh xưng, mỹ từ, kể cả lòng ngưỡng mộ để miêu tả về Lê Bá Đảng như thế.

Là người được tiếp xúc nhiều với danh họa Lê Bá Đảng, khi biết tin ông mất nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không biết nói gì hơn, ông chỉ ‘xin nghiêng mình vĩnh biệt một tài năng lớn’. Buồn vì một tài năng hội họa đã ra đi mãi mãi nhưng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng nghệ thuật không gian của danh họa Lê Bá Đảng ngưng lại trong vĩnh hằng. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: “Tranh của Lê Bá Đảng là những ám ảnh không gian bắt đầu từ những kỷ niệm ấu thơ khi trèo lên ngọn cây hoặc đỉnh núi nhìn xuống phong cảnh dưới chân. Cao hơn nữa đấy là cái nhìn từ thinh không xuống núi non, sông hồ, sa mạc và biển cả.

Nhiều bức tranh cấu tạo bằng giấy bồi nhiều lớp, kết hợp in nổi và hội họa, điều khắc và kiến trúc; nhiều bức lại được “vẽ” bằng những sợi thảm đen dệt vào tấm thảm màu trắng toát… Tất cả toát lên một không gian mở tới vô biên và khép kín đến sâu thẳm. Những không gian mở này bộc lộ khát vọng lớn của người nghệ sĩ cuối thế kỷ 20, khát vọng sáng tạo nên một tác phẩm mênh mông, một quang cảnh đầy cảm hứng vũ trụ, sống cùng thiên nhiên hướng về bất tận. Đấy cũng là khát vọng biến đổi thế giới, tạo nên vẻ đẹp bất diệt cho thế gian bao la mà con người hằng mơ ước.

Nói về tranh của Lê Bá Đảng, đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận xét: “Tranh của Lê Bá Đảng không giống bất kỳ tranh của ai từ trước tới nay. Nó vừa là điêu khắc, vừa hiện thực lại vừa siêu thực. Ông có cái nhìn vĩ mô (từ vũ trụ nhìn xuống trái đất) và cái nhìn vi mô (một bàn chân Giao Chỉ). Tranh của ông là một miền ký ức bao la về cội nguồn. Là ký ức của nhân loại từ thủa hồng hoang. Không còn ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa hội họa và thiên nhiên. Tranh của ông không bó hẹp trong khung, nó được gắn vào không gian như một bộ phận không thể tách rời. Nếu trong điêu khắc Điềm Phùng Thị có những module thì trong hội họa Lê Bá Đảng cũng có những mô tip của mình. Đó là Đất - Nước - Mẹ và Con – Vũ Trụ và hư không. Tranh của ông mang đậm chất thiền. Có cảm tưởng chúng ta đã tìm về đúng nơi xuất phát của mình.....”.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cho rằng dù Lê Bá Đảng ở giữa trung tâm mỹ thuật thế giới, kho màu sắc lại dùng ánh sáng bóng tối và chất liệu kỹ thuật tự tạo từ thảo mộc nguyên sơ để cống hiến với nhân loại về suy nghĩ của cái đẹp. “Nghệ thuật quả không ai có thể lý giải, nhất là sự khai phá cách nhìn của ông qua nghệ thuật tạo hình cũng đủ những câu hỏi kế tiếp dệt thành dây thành sợi để bó chặt phong cách sống và sáng tạo của một nghệ sĩ”, Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng nhận xét.

Sinh thời, danh họa Lê Bá Đảng từng chia sẻ: “Tôi là người luôn sống với một thiên đường đã mất, để từ đó học cách khám phá và yêu thương cái thế giới thanh xuân mãi mãi”. Đó cũng là thông điệp và thái độ sống, sáng tạo của danh họa Lê Bá Đảng. Vĩnh biệt ông, một nghệ sĩ tài hoa, suốt đời tận hiến cho nghệ thuật.

T.Lê

Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh ngày 27-6-1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Năm 1939, ông sang Pháp trong đoàn lính thợ của quân đội nước này, tham gia vào những đội quân chống phát xít và bị Đức quốc xã bắt làm tù binh. Sau đó, ông học tại Học viện nghệ thuật Toulouse.

Năm 1950, lần đầu tiên ông triển lãm các tác phẩm của mình tại thủ đô Paris (Pháp), sau đó trở thành một họa sĩ nổi tiếng ở châu Âu.

Năm 1989, ông nhận giải thưởng “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo” của Viện quốc tế Saint Louis của Mỹ.

Năm 1992, ông được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Cambridge của Anh đưa vào danh mục những người nổi tiếng thế giới.

Năm 1994, ông được Nhà nước Pháp tặng Huân chương Văn hóa nghệ thuật.

Ông được gọi là họa sư và giới nghệ thuật đánh giá là bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây. Họa sĩ Lê Bá Đảng đã sáng tạo ra một phương pháp nghệ thuật được gọi tên là “Không gian Lê Bá Đảng” (Lebadangspaces).

Năm 1992, ông thực hiện cuộc triển lãm đầu tiên ở quê hương VN ngay tại làng quê Bích La Đông.

Năm 2005, ông được trao tặng huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhận danh hiệu Vinh danh nước Việt do báo điện tử VietNamNet phối hợp với UBMTTQ Việt Nam trao tặng.

Năm 2006, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng đã được xây dựng và đi vào hoạt động để trưng bày tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng tại địa chỉ 15 Lê Lợi, TP Huế.