Ngày 8 tháng 9, giới chức Mỹ tuyên bố, nước này sẽ duy trì áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất cứ cá nhân hoặc thực thể nào mua dầu mỏ của Iran, hoặc làm ăn kinh doanh với Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Căng thẳng Mỹ- Iran tái bùng phát, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran và các cường quốc năm 2015, vì cho rằng thỏa thuận chưa chặt chẽ.
Từ đó, Mỹ dần tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán.
Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran cũng tuyên bố điều chỉnh phạm vi tuân thủ cam kết nêu trong thỏa thuận.
Căng thẳng song phương liên tục leo thang sau các sự cố với các tàu chở dầu ở vùng Vịnh mà Washington cáo buộc Iran đứng sau trong khi Tehran bác bỏ.
Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh tại Eo biển Hormuz hồi tháng 7 vừa qua với lý do "vi phạm luật hàng hải quốc tế", sau khi Hải quân Hoàng gia Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran gần Gibraltar, vùng lãnh thổ thuộc Anh, với cáo buộc tàu này vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu chở dầu tới Syria.
Cùng ngày 8 tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - Abbas Mousavi, cho biết nước này có thể sẽ sớm trả tự do cho tàu chở dầu Stena Impero, sau khi hoàn tất một số thủ tục pháp lý.