Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2019 do Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương trình bày tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp, diễn ra ngày 3 tháng 9, -  từ  ngày 1 tháng 10 năm 2018 đến ngày 31 tháng 7 năm 2019 đã phát hiện 14.228 vụ phạm tội, và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ.

Đáng lưu ý, tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh, bảo đảm đúng tiến độ. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng 'trên nóng dưới lạnh'.

Tuy nhiên, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội.

Trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, đã khởi tố nhiều vụ án trọng điểm. Chẳng hạn, lĩnh vực tài chính ngân hàng đã khởi tố 33 vụ, 89 vị can.

Bên cạnh đó, vi phạm pháp luật trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai diễn ra ở nhiều nơi gây bức xúc dư luận.

Nhận định về Báo cáo này, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, năm 2019 công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật, và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế: tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là 'tham nhũng vặt' trong các cơ quan và nhân viên nhà nước khi thực thi công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân, và tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân và công luận. Tuy nhiên, số vụ việc được phát hiện không nhiều và giảm (0,35%) so với cùng kỳ.

Các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng cũng ít bị phát hiện; có vụ làm xăng giả với quy mô lớn, tiêu thụ trên nhiều địa phương, kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện xử lý.