Chiều ngày 22 tháng 9, tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ô nhiễm không khí, và Biến đổi khí hậu (thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), đã đưa ra bằng chứng ô nhiễm không khí ở thành phố Hồ Chí Minh, liên quan đến cháy rừng ở Indonesia.

Trong những ngày qua, đơn vị này đã chạy mô hình truy tìm nguồn gốc ô nhiễm không khí, tại thành phố Hồ Chí Minh theo 2 chiều, để truy tìm nguyên nhân.

Ngày 18 tháng 9, có nhiều đám cháy rừng lớn và trên diện rộng tại Indonesia. Theo hướng gió với vận tốc gió, đơn vị này nhận định khoảng 2 đến 3 ngày, chất ô nhiễm sẽ bay tới thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là lý do khiến nồng độ ô nhiễm ngày thứ 6 (ngày 20 tháng 9) tăng đột biến. Tương tự, khi chạy ngược mô hình, thì đơn vị này cũng tìm ra nguyên nhân ô nhiễm ngày 22 tháng 9, xuất phát từ cháy rừng ở Indonesia.

Chuyên gia này cho biết, còn 2 nguyên nhân phụ khác gây ô nhiễm không khí, là độ ẩm trong không khí cao, và hoạt động của các phương tiện giao thông, xây dựng và công nghiệp.

Trong khi đó, ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết chưa đủ bằng chứng để xác định, cháy rừng ở Indonesia liên quan đến hiện tượng mù tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông, nếu do cháy rừng, thì các trạm quan trắc phải ghi nhận được hiện tượng mù khô ở một số vùng biển. Tuy nhiên, các trạm quan trắc ở Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Đảo, đều không ghi nhận hiện tượng mù khô trong các ngày qua.

Chuyên gia thời tiết cho rằng, hiện tượng người dân nhìn thấy gọi là mù. Khoảng 3 ngày qua, thời tiết ở thành phố Hồ Chí Minh hội tụ các yếu tố như: có mưa nhiều, độ ẩm trong không khí cao, cùng với không khí lạnh ở phía Bắc đang đẩy xuống làm bầu trời có mù.