- Anh là một trong hàng triệu nạn nhân da cam trên đất nước Việt Nam. Anh làm nhiều người khâm phục và ngạc nhiên khi đã vượt qua 'bóng đêm của da cam' để sống và gieo chữ giữa đời thường.
Thầy giáo da cam Nguyễn Ngọc Phương là biểu tượng của ý chí, lòng quả cảm và sức sống kỳ diệu nơi vùng đất lửa những năm chiến tranh khốc liệt Quảng Nam.
Vượt qua bóng đêm
Hơn 30 năm trước, vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Tấn Ngọc trở về sau cuộc chiến tranh tàn khốc. Ông chọn mảnh đất quê nhà Quế An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam để bắt đầu dựng lại cuộc sống mới sau hoang tàn đổ nát.
Những đứa con lần lượt ra đời trong khốn khó của thời hậu chiến, nhưng vợ chồng ông vẫn không tin được rằng mình đã nhiễm chất độc da cam sau những tháng năm vào sinh ra tử nơi chiến trường Khu 5 ác liệt với bom đạn và chất độc khai quang mà Mỹ đã rải xuống.
Cứ tưởng hạnh phúc mỉm cười với những người vào sinh ra tử như ông. Nhưng không ngờ, những đứa con với hình hài dị dạng cứ thế ra đời. Nguyễn Ngọc Phương là đứa con đầu, rồi những đứa sau lần lượt vẫn èo ọp, ốm đau, dị dạng. Lúc đó ông Ngọc mới biết mình đã nhiễm chất độc da cam.
|
Ngày đứa con đầu Nguyễn Ngọc Phương đến tuổi đi học, ông phải cõng con vượt rừng. Ròng rã hơn 13 năm trời vật lộn gian khó, nhiều khi tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng cuối cùng cha con ông đã chiến thắng trên hành trình gian nan cho con đến trường.
Ông Ngọc nhớ lại cái ngày cõng con vượt rừng đến trường tìm chữ mới thấy hết những đớn đau của số phận da cam. Phương èo ọp, đến lớp 3 thì không đủ sức. Cánh cổng trường khép lại, vì người cha già yếu không đủ sức để cõng con vượt núi đến trường trên quãng đường hơn 10 km.
Không được đến trường, Phương mượn sách vở bạn bè cùng làng và tự học ở nhà. Ròng rã 13 năm trời, anh đã vượt qua, tìm được cái chữ cho mình.
Đến năm 16 tuổi, cậu bé da cam Nguyễn Ngọc Phương quyết định khăn gói rời làng tìm về Tam Kỳ để đi học nghề.
|
Cảm phục cậu bé khuyết tật có tinh thần hiếu học, nhiều người đã giúp đỡ Phương. Bắt đầu từ nghề bơm ga, rồi sửa đồng hồ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Phương học được nghề một cách thành thạo. Để sống tự lập, Phương xin thầy cho 'ra riêng' để mưu sinh kiếm sống.
Trở về lại quê, Phương sắm đồ nghề rong ruổi dọc theo những làng xóm và những khu chợ nghèo ở Quế Sơn kiếm sống mưu sinh.
Tằn tiện chắt bóp từ những đồng tiền nhàu nát trong nghề bơm ga, lại một lần nữa Phương quyết định đi xa hơn, khăn gói nhảy xe đò vào Sài Gòn. Đó là vào năm 1999, cậu bé da cam Nguyễn Ngọc Phương đặt được đôi chân vẹo vọ của mình xuống đất Sài Gòn và bắt đầu những tháng ngày học nghề sửa chữa xe máy, điện tử.
Sau hơn 5 năm vừa học nghề, vừa làm công, cuối năm 2005 Phương quyết định về Đà Nẵng và bắt đầu lập nghiệp mà như lời anh bảo là về gần nhà để có điều kiện lo cho cha mẹ đau ốm và những đứa em da cam của mình.
Đầu năm 2006, tiệm sửa chữa xe máy, đồ điện của Phương đi vào hoạt động tại Hòa Khánh, TP Đà Nẵng đã gây không ít ngạc nhiên và khâm phục với nhiều người.
Cần mẫn, chăm chỉ làm việc không kể ngày đêm, với tay nghề giỏi, Phương đã thuyết phục được nhiều người dân Đà Nẵng. Và câu chuyện vượt qua nghị lực cũng như tấm lòng hiếu thảo của cậu bé da cam bé được kể lại như chuyện cổ tích giữa đời thường.
Năm 2008, trong một lần tới Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng, tình cờ Phương được Ban lãnh đạo biết đến và sau đó đã mời về dạy nghề cho các em ở trung tâm.
Thế là Phương lại có một bến đỗ mới, với nhiều con người cùng có chung hoàn cảnh. Phương trở thành thầy giáo da cam đầu tiên tại trung tâm này.
Khát vọng ngày mai
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Phương bảo, trong ký ức của mình, những tháng ngày nhọc nhằn mưu sinh và khi được mời về dạy tại trung tâm vẫn còn tươi nguyên.
“Nghe các bác ở trung tâm quyết định đưa mình về dạy tại, thú thực lúc đầu lo sợ, không biết mình có kham nổi hay không. Nhưng cứ nghĩ đến những người cùng cảnh ngộ là quên hết...” - thầy giáo Phương nhớ lại.
Những ai đã một lần đến với
Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh ở số 119, đường
Nguyễn Như Hạnh, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng chắc chắn sẽ không
khỏi ngạc nhiên về thầy giáo Nguyễn Ngọc Phương.
|
Đến bây giờ, đã bước sang tuổi 31, nhưng thầy giáo Phương vẫn như cậu bé lên 4 lên 5, chiều cao chỉ 0,9m, cân nặng vỏn vẹn 20kg.
Giờ lên lớp dạy văn hóa của thầy giáo Phương là bài học vỡ lòng với những chữ cái quen thuộc. Dưới lớp là những em học sinh da cam cùng cảnh ngộ với mình.
Phương kể: “Đa phần các em đều mang dị tật bởi di chứng của chất độc da cam, nên từng con chữ dạy các em cũng phải kỳ công. Nếu không cùng cảnh ngộ thì không thể đủ kiên nhẫn để dạy được...”.
Bởi Phương hiểu và nhận ra điều giống mình ngày xưa, các em học cốt để luyện giọng, tập đọc và lớn hơn là cảm nhận được niềm vui của người khuyết tật khi bản thân được đi học, có trường, có lớp, có bạn, có thầy...
Vừa đi dạy học ở trung tâm, thầy giáo Phương xin trung tâm thành lập cơ sở dạy nghề cho trẻ em da cam mang tên Phương Tín.
Cơ sở dạy nghề cho trẻ em da cam Phương Tín của Phương khai giảng vào năm 2009 đã thu hút hàng trăm trẻ em da cam đến học các nghề sữa xe máy, quạt điện, máy bơm nước... Bằng sự tỉ mỉ và kinh nghiệm từ chính bản thân mình, thầy Phương có cách truyền đạt rất riêng.
Phương cần mẫn nắm tay, đưa rất nhiều trẻ em cùng cảnh ngộ với mình vượt qua những khó khăn thường nhật nhất.
Em Nguyễn Nguyên Dũng, một học trò của Nguyễn Ngọc Phương đã giành những nỗi niềm kể về người thầy của mình: "Nếu không có thầy Phương, không biết tụi em sẽ ra sao. Chừ thì tụi em có đủ tự tin để sống và vượt qua nỗi đau da cam rồi, không sợ nữa...”.
Tuy nhiên, thầy bé tẹo, trò
to lớn gấp nhiều lần, có em còn mắc nhiều khuyết tật vừa câm điếc, vừa thiểu
năng trí tuệ nên việc dạy của Phương mỗi ngày gặp không ít khó khăn.
|
Vượt qua tất cả, năm 2008, thầy giáo Nguyễn Ngọc Phương vinh dự là 1 trong số 3 nạn nhân da cam của cả nước tham dự Chương trình tàu Hòa Bình, Nhật Bản, tham gia giao lưu với trên 100 công dân đất nước xứ hoa anh đào còn sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử 63 năm năm trước ở Hiroshima và Nagasaki. Thông điệp trên con tàu là kêu gọi đấu tranh cho một thế giới hòa bình, hãy chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam.
Phương còn có một người em gái là Nguyễn Thị Hiếu cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam từ khi mới lọt lòng mẹ. Với thân thể không lành lặn, cũng tí hon như người anh, hơn 10 năm qua, Hiếu đã cố gắng vươn lên hoàn thành chương trình học văn hóa hết lớp 12.
Noi gương người anh, Hiếu cũng đã vượt qua nỗi đau da cam và bây giờ đang làm quản lý một tiệm internet ở cách nhà gần 5km.
Phương và các học trò của mình là những số phận da cam đã lầm lũi vượt qua bóng đêm. Đó là cả một hành trình khẳng định sức sống kỳ diệu của con người Việt Nam sau chiến tranh khốc liệt.
Vũ Trung