CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
------------ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 02 /NQ-CP Hà Nội, ngày 01 tháng 01 năm 2021
NGHỊ QUYẾT
Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 124/2020/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2020 của
Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
QUYẾT NGHỊ:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH
Thực hiện Nghị quyết hàng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bám sát các tiêu chí và thực hành quốc tế (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm từ 2014 đến 2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm 2019, 2020, trong đó Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 đề ra mục tiêu cho cả năm 2021), các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và ngày càng chủ động, tích cực triển khai các giải pháp trong phạm vi trách nhiệm của minh. Nhờ đó, hàng nghìn rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ; nhiều yếu tố, vấn đề về xã hội, quản lý, quản trị liên quan tới chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia được chú trọng chỉ đạo giải quyết. Thứ hạng của Việt Nam trong tất cả các bảng xếp hạng quan trọng của quốc tế đều được cải thiện.
Mặc dù là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp (thứ 127), nhưng nước ta vẫn đạt vị trí 70 về Môi trường kinh doanh năm 2019 (tăng 20 bậc so với năm 2015) và thứ 67 về Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (tăng 10 bậc so với năm 2018). Trong 5 năm qua, Năng lực cạnh tranh du lịch tăng 12 bậc, xếp thứ 63; Hiệu quả logistics tăng 25 bậc, xếp thứ 39; Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 17 bậc, xếp thứ 42. Đặc biệt, xếp hạng về phát triển bền vững tăng 34 bậc, từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020. Ngoài ra, không ít chỉ số, tiêu chí cụ thể của nước ta được ghi nhận tiến bộ vượt bậc như: Tiếp cận điện năng tăng 81 bậc, xếp thứ 27; ứng dụng công nghệ thông tin tăng 54 bậc, xếp thứ 41...
Năm 2020, cùng với nỗ lực phòng chống, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tác động tiêu cực nhiều mặt của dịch bệnh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong tình hình mới; là năm đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo.
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ ban hành Nghị quyết về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
II. MỤC TIÊU
Tập trung hoàn thành mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể năm 2021 đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Các bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
1. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019 và 2020). Trong đó, tập trung vào các nhóm chỉ số, chỉ tiêu cụ thể, gồm: cấp phép xây dựng, Đăng ký tài sản, Giải quyết tranh chấp hợp đồng, Giải quyết phá sản doanh nghiệp, Chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, Chất lượng đào tạo nghề, Kỹ năng của sinh viên, Đăng ký phát minh sáng chế, Kiểm soát tham nhũng, Mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, Cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, Môi trường sinh thái bền vững.
2. Tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo hướng: (i) Xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì; (ii) Phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối và các cơ quan, đơn vị phối hợp. Đồng thời, chú trọng giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.
3. Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; nhấn mạnh các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung thực hiện: (i) Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân (như các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội); (ii) Đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử; (iii) ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước; (iv) Xây dựng và triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
4. Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa...; phấn đấu giữ vững và cải thiện thứ hạng phát triển bền vững.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức toàn xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp về nội dung và ý nghĩa của phát triển bền vững nhằm phát triển nhanh cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
5. Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nghiêm chế độ báo cáo. Trước ngày 10 tháng 6 và ngày 10 tháng 12 năm 2021, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 6 tháng và 01 năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và cuối năm.
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc