Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mới được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông tạo điều kiện cho nền kinh tế số được hình thành và trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, Nghị quyết của Bộ Chính trị cho rằng, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam còn thấp khi mà thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế; cơ cấu và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; khoa học công nghệ chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế- xã hội; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động…
Trong đó hầu hết đến từ những nguyên nhân chủ quan như nhận thức về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn hạn chế; tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện còn chậm, sức ỳ lớn; quản lý nhà nước còn nhiều bất cập…
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị cho rằng cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cả cơ hội và thách thức nên phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp thông qua cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. |
Xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2025
Nghị quyết Bộ Chính trị đã khẳng định rõ mục tiêu phải tận dụng hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số…
Cụ thể, đến năm 2025, phải duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Việt Nam cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và phải thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc, cũng như có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Còn đến năm 2030, xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) phải thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số và có một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu ực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Cuối cùng, tham vọng đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á.
Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam phải duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. |
Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã đưa ra 8 chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đầu tiên là việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó nội dung cốt lõi là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Chủ trương thứ hai là hoàn thiện thể chế, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó chú trọng đến vấn đề khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, Chính phủ điện tử, phát triển đô thị thông minh…
Đồng thời, bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới được ưu đãi đầu tư để thúc đẩy tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Có cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các công ty đa quốc gia đặt các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Chủ trương thứ ba liên quan đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu như triển khai băng rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc (trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia); đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia thông qua việc hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu từ quốc gia cho đến địa phương để có thể kết nối đồng bộ; quy hoạch xây dựng hạ tầng thanh toán số quốc gia, kiểm soát chặt chẽ các hình thức thanh toán trực tuyến qua biên giới; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng…
Chủ trương thứ tư là chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá đối với các trung tâm đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở các khu công nghệ cao Hoà Lạc (Hà Nội), Đà Nẵng và TP.HCM, phát triển những khu đô thị sáng tạo đạt đẳng cấp quốc tế.
Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Chủ trương thứ năm là chính sách phát triển nguồn nhân lực, trong đó đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu; đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao… Hình thành mạng học tập mở của người Việt Nam, theo lộ trình phổ cập kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn an ninh mạng cơ bản cho người dân.
Chủ trương thứ sáu liên quan đến chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên, trong đó tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hoá số; y tế; giáo dục và đào tạo…
Chủ trương thứ bảy về chính sách hội nhập quốc tế, trong đó phải chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu; hoàn thiện luật pháp, chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài, về đầu tư mạo hiểm có vốn nước ngoài…
Chủ trương cuối cùng liên quan đến chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, tiên phong thực hiện, đảm bảo thống nhất, kết nối liên thông và đồng bộ.
Xây dựng cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước.
Cùng với đó, Bộ Chính trị yêu cầu cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chuẩn hoá và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp; cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp.