- Một nghị sĩ khi quá "hung hăng" trong bày tỏ quan điểm, chất vấn có thể tốt cho việc "trình diễn", nhưng lại dở, thậm chí cản trở quá trình hoạch định chính sách - trao đổi kinh nghiệm của nghị sĩ Anh.
Phái đoàn của Nhóm nghị sĩ các chính đảng (APPG) của Vương quốc Anh đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Trong thời gian làm việc tại Hà Nội, đoàn đã dự một buổi thảo luận bàn tròn với các đại biểu QH Việt Nam về vai trò giám sát và điều trần của QH trong tình hình kinh tế hiện tại của Việt Nam (27/5).
Mặc dù tồn tại chính thể khác nhau, Việt Nam không có cơ chế đa đảng cạnh tranh như ở Anh nhưng các nghị sĩ Anh sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm thực hiện hai cơ chế này. VietNamNet trò chuyện với bà Tessa Jowell, nghị sĩ Công Đảng Anh:
Thất hứa sẽ mất phiếu
Thưa bà, ở Anh, trước mỗi kỳ bầu cử, các ứng cử viên lãnh đạo tranh cử thường đưa ra những mục tiêu, lời hứa với cử tri. QH, cử tri giám sát việc triển khai những mục tiêu, lời hứa của họ ra sao?
Trước mỗi kỳ bầu cử, mỗi đảng lại đưa ra bản tuyên bố trong đó đề xuất một chương trình hành động. Kỳ vọng của công chúng, sự ủng hộ của người dân dành cho lãnh đạo, đảng phái đó nhiều hơn nhờ những lời hứa hẹn trong bản tuyên bố.
Bà Tessa Jowel:
Công chúng ngày càng muốn thấy chính trị gia ở các bên làm việc cùng nhau và thống nhất cho một giải pháp lâu dài. Ảnh: Business Insider |
Nhưng đôi khi bối cảnh thay đổi, những hứa hẹn trong bản tuyên bố không thể thực hiện được. Vị lãnh đạo từng được bầu với nhiều lá phiếu cũng sẽ nói gián tiếp về việc không thể thực hiện lời hứa.
Điều khiến người dân giận dữ là họ biết rõ những lời hứa này đang bị phá bỏ, nhưng các chính trị gia vẫn nói với họ rằng thực tế thì lời hứa vẫn được giữ, nhưng chỉ là các bối cảnh thực thi đã thay đổi. Do đó, tôi nghĩ rằng vấn đề đạo đức rất quan trọng, nhưng phải tư duy thực tế những gì sẽ đạt được trong 5 năm tới quan trọng không kém.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các lãnh đạo không thể giữ lời hứa của mình, dù là do bối cảnh thay đổi, thưa bà?
Họ sẽ không nhận được phiếu bầu nếu như không thể thực hiện lời hứa của mình. Như hiện nay, chính phủ Anh là liên minh cầm quyền, đã đưa ra lời hứa rất lớn về việc giảm thâm hụt ngân sách mà đất nước đang phải đối mặt.
Chúng tôi hiểu rằng việc này là rất khó, phải giảm các khoản vay nhưng phải tạo thêm việc làm, nên số tiền vay lại tăng thêm. Giảm thâm hụt ngân sách được rất ít nhưng không phải với các khoản chi mà họ hứa hẹn.
Chúng tôi sẽ phải chờ xem liệu mọi người chuẩn bị bỏ phiếu thông qua chính sách hiện thời để tiếp tục, hay là bỏ phiếu cho một phương án khác đang nhấn mạnh vào các sáng kiến tạo công ăn việc làm cho cả khu vực công và khu vực tư nhân nhằm kích cầu và để nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại.
Theo dõi các phiên chất vấn tại QH Anh thấy đôi khi các nghị sĩ ở các đảng phái khác nhau có lúc tỏ ra rất hung hăng khi bày tỏ quan điểm. Điều này có gì tích cực và tiêu cực?
Tôi nghĩ điều này tốt cho việc trình diễn, nhưng lại rất dở cho quá trình hoạch định chính sách. Đây cũng là một trở ngại cho quá trình đưa ra quyết định.
Trong QH của chúng tôi, mọi người nhận thấy việc cạnh tranh hung hăng hơn đang làm mai một quá trình trao đổi, và khiến cho mọi người xa lánh chính trị, xa lánh niềm tin rằng chính trị có thể mang lại giải pháp giúp họ giải quyết các vấn đề phải đối mặt hàng ngày.
Ở Anh cũng như các nước khác trên thế giới, chính phủ của bất kỳ đảng nào cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn. Do đó, tôi nghĩ là công chúng ngày càng muốn thấy chính trị gia ở các bên làm việc cùng nhau và thống nhất cho một giải pháp lâu dài.
Thu Lượng