Khoảng 60.000 ngôi mộ tại nghĩa địa Cực Lạc Thái Bình (Tây Ninh) được chạm khắc thơ trên bia, với những câu vợ tiếc chồng, con khóc cha: "Những tưởng cùng ông sống với con/ Nay ông vui hưởng cảnh bồng non...".

{keywords}

Một góc nghĩa địa thơ. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Nghĩa địa Cực Lạc Thái Bình nằm giáp ranh giữa hai xã Bàu Năng và Ninh Thạnh (Dương Minh Châu, Tây Ninh), ngay dưới chân núi Bà Đen. Bước qua cánh cổng rêu phong phủ dày, trải dài trước mắt người tới đây là hàng nghìn ngôi mộ ngay hàng thẳng lối, đủ kích cỡ. Trên lối đi giữa hai hàng mộ, nằm dưới bóng mát của hai hàng phi lao thẳng tắp, có một quán nước nhỏ với chiếc xe đẩy và vài ba chiếc ghế. Có lẽ, đây là hiện thân duy nhất của sự sống con người ở chốn này.

Chị Hiền, chủ quán nước, cho biết, ở đây bây giờ nổi tiếng rồi, người ta đưa người thân đến đây an nghỉ nhiều lắm. Có nhiều ngôi mộ được khắc tới 7-8 bài thơ. Thôi thì đủ cả, tất cả cảnh đời éo le ngang trái, tiếc thương vô hạn cũng đều gửi gắm vào thơ hết. Vì thế mà nơi đây thường có nhiều người lui tới hơn.

Hàng nghìn bài, phần lớn là thể thơ lục bát và song thất lục bát, ghi trên những tấm bia mộ ở nghĩa trang. Nhiều bài chưa thật đúng vần, đúng luật, nhưng đều là những lời chân chất, mộc mạc, là tâm tư, cái nghĩa, cái tình của người sống dành cho người khuất.

Ở một ngôi mộ là lời người vợ tiếc chồng: "Những tưởng cùng ông sống với con/ Nay ông vui hưởng cảnh bồng non/ Bỏ tôi ở lại cùng con trẻ/ Khóc nhớ thương ông dạ mỏi mòn". Lời con khóc cha: "Những tưởng trùng phùng lại chia phôi/ Ba về thượng giới bỏ con côi/ Ba ơi, thôi hết còn trông đợi/ An nghỉ nghe ba, vĩnh biệt rồi".

{keywords}

Trên mỗi ngôi mộ đều có một bài thơ và một bức tranh rất đẹp. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Nói về nguồn gốc những bài thơ trên mộ, ông Huỳnh Cẩm Tú, Trưởng ban quản lý khu nghĩa địa Cực Lạc Thái Bình, kể nghĩa địa này có từ năm 1927. Hồi đó, khu vực này còn rất hoang sơ, chỉ có vài ba ngôi mộ vô chủ. Hiện nghĩa địa đã quy hoạch lại với diện tích 58ha và có gần 60.000 ngôi mộ.

Những bài thơ cũng có từ lâu lắm. Khoảng 20 năm trước, có một ông giỏi thi ca sống ở vùng này. Ông hết lòng yêu thương vợ. Đến khi vợ chết được chôn cất ở nghĩa địa, do quá thương nhớ, chiều nào ông cũng ra mộ khóc và đọc thơ cho vợ nghe. Rồi ông lấy sơn viết lên mộ những vần thơ nặng nghĩa tình phu thê. Nhiều người học theo từ đó.

Cũng có giai thoại rằng ngôi mộ đầu tiên có đề thơ là của một người rất mê thơ. Đến ngày 'gần đất xa trời', ông căn dặn vợ con mỗi năm đến ngày giỗ thì nhớ đốt thơ gửi xuống cho ông. Sau khi ông mất, vợ ông cho tạc một bài thơ lên bia gỗ.

Một chuyện kể khác cũng không kém phần xúc động. Một ông chồng vì nghi vợ ngoại tình nên tự tử chết, gia đình bên chồng không cho vợ để tang. Đêm đến, người vợ lén ra bia mộ mượn dòng thơ khắc lên, minh oan cho nỗi lòng của mình: Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay".

Từ nhu cầu rất lớn về thơ khắc trên mộ ở Cực Lạc Thái Bình, hầu hết thợ chuyên xây mộ đều biết "làm thơ". Theo anh Nguyễn Văn Thắng, không phải thợ xây mộ nào cũng viết được thơ mà họ chủ yếu là sưu tầm những bài thơ chồng khóc vợ, con khóc cha mẹ, đưa cho thân nhân người quá cố chọn rồi khắc lên.

"Cách đây vài năm, khắc một bài thơ lên mộ, tính luôn cả chi phí thi công khoảng 100.000 đồng. Nhưng bây giờ chi phí đã tăng gấp 3 rồi. Cũng có khi, tiền khắc thơ tính luôn vào chi phí làm hoàn chỉnh một ngôi mộ", anh Thắng nói.

{keywords}

{keywords}

Những bài thơ chan chứa ân tình người sống gửi người đã khuất. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Một trong những người nổi tiếng sáng tác thơ bia mộ là ông Phạm Văn Lộc, người có thâm niên gần 40 năm làm quản trang nơi đây. Ông Lộc từng có bài thơ khóc con: "Tre già chịu cảnh khóc măng non/ Tiếng nói con thơ nay chẳng còn/ Một phút rủi ro vì mạng số/ Chỉ còn rơi lệ để tiễn con".

Từ bài thơ đầu tay khá ấn tượng này mà nhiều người tìm đến ông Lộc để thuê viết. Đa phần những câu thơ khắc trên bia mộ ở Cực Lạc Thái Bình là chắp vá, lấy từ ca dao, hò vè, truyện Kiều, Lục Vân Tiên... rồi cải biên cho phù hợp với lòng người và tâm trạng của nhân vật.

Có bài do gia đình người quá cố viết hoặc do người chết tự làm trước đó và yêu cầu được khắc trên bia mộ. Khi gia chủ yêu cầu, phía Ban quản lý sẽ góp ý cho đúng vần, đúng luật. Ban quản lý còn sưu tầm, đóng lại thành từng tập thơ theo những chủ đề riêng, mỗi tập có từ 200 đến 300 bài thơ để gia quyến lựa chọn. Ngay cả giới thợ hồ, thợ khắc bia, ai cũng "thủ" sẵn vài chục bài thơ để tạc vào bia khi có yêu cầu.

Anh Lâm Văn Nhất, người có thâm niên 18 năm làm bia kiêm luôn thợ hồ, cho biết: "Cách đây 3-4 năm, giá một bài thơ từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng, tùy theo thời gian làm nhanh hay chậm. Bây giờ làm thơ cho gia chủ là miễn phí, bởi đã gắn với việc khắc, bán bia mộ".

Một tấm bia giá 100.000-200.000 đồng, tùy theo số lượng chữ khắc, số lượng bài thơ. Trước đây, anh Nhất từng sáng tác được cả chục bài thơ bia mộ, giờ anh không sáng tác nữa. "Muốn làm đâu phải dễ, muốn có thơ hay phải nghiền ngẫm rất lâu. Nhiều khi phải nghe gia chủ kể chuyện hàng giờ liền, cả chuyện riêng tư của người khuất mới có thể tìm ra được ý hay", anh Nhất cho biết.

Qua những vần thơ, người xem dường như biết thêm, hiểu hơn về cuộc sống, về lòng người nơi trần thế. Từ lời thơ của người sống dành cho những linh hồn đã phần nào nói lên cuộc đời, thân phận lúc sinh thời của họ. Trên hết, người tới viếng cảm nhận được cái gọi là "thái bình" ở đây, bên cạnh những người đã hóa thiên cổ.

Theo ông Huỳnh Cẩm Tú, Trưởng Ban quản lý nghĩa địa Cực Lạc Thái Bình, người dân muốn chôn cất người thân ở đây được cấp đất miễn phí, chỉ mất chi phí xây mộ, làm bia, tùy theo yêu cầu mà tốn từ 3 triệu đồng trở lên. Những hộ nghèo còn được hỗ trợ, miễn phí toàn bộ. Gần đây, người dân ở các tỉnh lân cận tìm đến xin đất, chôn cất ở Cực Lạc Thái Bình ngày càng nhiều, từ TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai đến các tỉnh Vĩnh Long, Bình Phước… cũng có. Để giải quyết tình trạng quá tải, Ban quản lý đã đề xuất tỉnh quy hoạch lại và thành lập một khu nhà thờ hài cốt.

(Theo Nông Nghiệp Việt Nam)