Diện mạo nông thôn đổi thay
Tháng 9/2017, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện nông thôn mới, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đề ra. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở đều xác định “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu không có điểm kết thúc” nên cả hệ thống chính trị tiếp tục bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Những thành tựu nông thôn mới đã tiếp tục đổi thay toàn diện bộ mặt nông thôn ở Nghĩa Hưng theo hướng sáng - xanh -sạch - đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Nghĩa Thái là xã nông thôn mới của huyện Nghĩa Hưng. Xã đang thực hiện các tiêu chí phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.
Những năm qua, xây dựng nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, hình thành cánh đồng lớn sản xuất lúa theo hình thức liên kết nâng cao thu nhập cho người dân. Hạ tầng giao thông, thủy lợi ngày càng khang trang; các nhà văn hóa thôn xóm với đầy đủ các công trình phụ trợ, lắp đặt điểm truy cập wifi miễn phí… trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, vui chơi thể dục, thể thao của người dân.
Đặc biệt, công tác chuyển đổi số, hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh của xã diễn ra mạnh mẽ. Xã đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, xóm; phối hợp với các đơn vị chức năng bồi dưỡng, tập huấn phổ biến kiến thức, nâng cao kiến thức về kỹ thuật số cho người dân và vận động sử dụng các nền tảng, ứng dụng kỹ thuật số, ứng dụng di động để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến do cơ quan Nhà nước cung cấp.
Các tiêu chí, yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đặt ra khá cao, vì vậy trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có, địa phương đã ban hành kế hoạch và triển khai các giải pháp thực hiện sát với tình hình thực tế, tuyên truyền, huy động các nguồn lực xã hội cộng đồng chung tay, góp sức thực hiện.
Xã tập trung hoàn thiện một số hạng mục cơ sở vật chất, trang thiết bị như: lắp đặt hệ thống loa truyền thanh hiện đại, bảng tin điện tử công cộng, xây dựng thôn thông minh… Đồng thời tập trung xây dựng thành công sản phẩm OCOP “Bánh gai cô Cúc” tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Thực hiện ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực của địa phương là các giống lúa KOJI, Thiên Trường 900.
Diện mạo nông thôn của Nghĩa Hưng hôm nay đã hoàn toàn đổi khác. Đường làng, ngõ xóm được mở rộng, trồng nhiều hoa, cây xanh, có hệ thống điện chiếu sáng ban đêm. Các khu vực nhà văn hóa, khu đất trống được quy hoạch thành các điểm vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa. Đường giao thông liên thôn, liên xã được bê tông hóa.
Người dân tự giác chỉnh trang nhà cửa, sân vườn, cổng ngõ, tường rào theo quy hoạch chung của xã để có cảnh quan đẹp, vừa tạo môi trường sinh thái thân thiện. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế phát triển.
Để đạt được kết quả trên, huyện nhất quán quan điểm xác định xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ nâng cao nhận thức của người dân. Từ đó, huyện chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục, kiên trì bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực để tạo sự đồng thuận, thống nhất, huy động cao mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Đầu tư, xây dựng hạ tầng trọng điểm
Một trong những vấn đề được huyện Nghĩa Hưng quan tâm, huy động mạnh mẽ nhiều nguồn lực là đầu tư, xây dựng hạ tầng.
Các quy hoạch vùng huyện Nghĩa Hưng đến năm 2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch chung xây dựng các xã giai đoạn 2021 - 2030; quy hoạch chung xây dựng đô thị Rạng Đông đến năm 2040… đã được phê duyệt làm cơ sở quan trọng để huyện tập trung thu hút đầu tư phát triển. Đồng thời nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn, trong đó có các công trình trọng điểm như: cầu Thịnh Long, đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển, tuyến đường bộ ven biển, tuyến kênh nối Đáy - Ninh Cơ…
Đến nay, gần 270km đường trục xã, liên xã, đường nối trung tâm xã với các đường trục chính được cải tạo, nâng cấp, duy tu. 100% các tuyến đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm được đầu tư xây dựng đồng bộ đảm bảo tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”. 100% nhà văn hóa thôn xóm được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất theo quy định phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân. 100% trường học các xã, thị trấn đạt chuẩn và có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia.
Hạ tầng cơ sở được tăng cường, sản xuất phát triển đã tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Huyện đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với nền nông nghiệp hàng hóa.
Chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, liên kết chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm đặc thù của huyện.
Đến hết tháng 4/2023, toàn huyện Nghĩa Hưng có 24/24 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 70 thôn, xóm đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Để tiếp tục tăng tốc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đô thị văn minh, hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan triển khai rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn: Nghĩa Minh, Nghĩa Hải, Liễu Đề, Quỹ Nhất, Rạng Đông thực hiện tốt các nội dung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh, phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2023.