- Ngay cả người trong nước cũng chưa biết, Việt Nam đứng đầu trong rất nhiều
lĩnh vực kỹ thuật y tế, thậm chí các bệnh nhân từ những nước tiên tiến như Thái
Lan, Nga, Đức còn tìm đến điều trị.
Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam mất
khoảng 2 tỉ USD do hơn 40.000 bệnh nhân ra nước ngoài để khám chữa nhiều bệnh
như tim mạch, ung thư, tiêu hoá, mạch máu, thẩm mĩ…
Nghịch lý này được đặt ra tại Hội thảo: “Thành tựu y học thời kỳ đổi mới -
Người Việt Nam ưu tiên khám chữa bệnh tại Việt Nam” vừa diễn ra tại TPHCM.
Kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam đã cho ra
đời rất nhiều em bé khỏe mạnh.
Nói về thành tựu y tế của Việt Nam khiến cả thế giới trân trọng, nể phục
GS – TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch hội Nội tiết sinh sản vô tính TP.HCM
cho biết đó là thụ tinh ống nghiệm. Theo bà Phương, chỉ riêng kỹ thuật nuôi
trứng non trưởng thành trong ống nghiệm Việt Nam không chỉ đứng đầu Đông Nam Á
mà thuộc hàng đầu thế giới.
Việt Nam đang được nhiều người nước ngoài tin tưởng và tới để được làm kỹ
thuật thụ tinh ống nghiệm. Chỉ tính tiêng tại Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Vạn
Hạnh và Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm có trên 200 người nước ngoài và kiều bào tới
làm thụ tinh ống nghiệm.
Ngoài ra lĩnh vực chấn thương chỉnh hình cũng có những thành tựu vượt bậc.
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã phát triển rất tốt về vi phẫu và áp
dụng được chuyển ghép xương mác, chuyển ngón chân lên bàn tay để thay thế ngón
tay cái và thay thế khớp khuỷu.
Ngoài ra Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã áp dụng được kỹ thuật nong
mạch máu não và tủy sống.
Về kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam quả đã có những bước tiến rất xa. Tính
từ ca ghép tạng (thận) đầu tiên vào năm 1992 tới nay Việt Nam đã thực hiện được
620 ca ghép thận (12 bệnh viện có khả năng làm kỹ thuật này), 24 ca ghép gan (5
bệnh viện làm được), và 7 ca ghép tim (3 bệnh viện làm được)…
Vậy một câu hỏi được đặt ra, tại sao kỹ thuật y tế của chúng ta không kém,
thậm chí có thể nói nhiều lĩnh vực rất ưu tú mà bệnh nhân hễ có tiền là...chạy
sang nước ngoài, hoặc chưa đủ tiền thì “ao ước” đủ tiền để đi nước ngoài chữa
bệnh?
Tại hội thảo, hầu hết các bác sĩ đầu ngành đều cho rằng các yếu tố: bệnh
viện quá tải, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh còn thiếu, thủ tục
khám chữa bệnh rườm rà, trình độ bác sĩ còn chưa đồng đều…khiến người bệnh mất
niềm tin vào việc điều trị trong nước.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho rằng, số người bỏ ra nước ngoài chữa
bệnh là tầng lớp khá giả, có thu nhập cao. Họ bỏ Việt Nam đi không phải để tìm
một kỹ thuật y tế siêu việt hơn mà là tìm dịch vụ tốt hơn.
Trong khi đó, theo bác sĩ Phan Thị Ngọc Linh, Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất
lượng của Bệnh viện FV: “Người nước ngoài tìm đến Việt Nam để chữa bệnh bởi có
kỹ thuật tốt mà chi phí rẻ hơn nhiều ở nước sở tại, vậy thì việc người Việt Nam
lại đang đổ nguồn tiền rất lớn ra nước ngoài để chữa bệnh là một sự thất thoát
của quốc gia.”
Thanh Huyền