Trái với thái độ e dè, sợ sệt khi tiếp xúc với giới truyền thông như trước, một vài đơn vị chuyên kinh doanh điện thoại "nhái" nay lại mượn các đơn vị truyền thông như một công cụ hiệu quả để lăng-xê những chiếc điện thoại "nhái" mà mình cung cấp. Điều đáng nói là những chiến dịch lăng-xê sản phẩm "nhái" của các đơn vị này cũng rầm rộ chẳng kém gì hàng thật.
Chiếc điện thoại "nhái" này có thiết kế không khác gì so với sản phẩm Galaxy Note của Samsung. |
Lăng-xê rầm rộ
Từng có thời điểm, những chiếc điện thoại giả, "nhái" bị cộng đồng người sử dụng ĐTDĐ trong nước lên án mạnh mẽ, khi nhiều đối tượng lợi dụng sự giống nhau đến khó phân biệt của chúng để lừa đảo. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, không ít người vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" khi vô tình mua phải những chiếc Nokia N9, iPhone 4S... "nhái" nhưng được rao là hàng chính hãng trên các trang rao vặt. Vậy nhưng thay vì dần bị cộng đồng đào thải và biến mất, những chiếc điện thoại "nhái" hiện vẫn đang được phân phối rộng rãi, thậm chí là được lăng-xê rầm rộ như những chiếc điện thoại chính hãng.
Cách đây không lâu, các "tín đồ" của Apple khá bất ngờ trước sự xuất hiện của chiếc điện thoại có tên 4S-Retina Pro, được quảng cáo là một bản sao gần như hoàn hảo của chiếc điện thoại iPhone 4S chính hãng. Theo lời quảng cáo của đơn vị phân phối dòng sản phẩm này thì không những chỉ giống hoàn toàn về thiết kế, mà 4S-Retina Pro còn được sử dụng loại màn hình do LG sản xuất riêng cho Apple, nên cũng cho chất lượng hiển thị gần như tương đương (!?).
Sau khi ra mắt, chiếc điện thoại "siêu nhái" này được quảng cáo khá rầm rộ trên rất nhiều trang tin tức trực tuyến, kể cả một vài trang tin công nghệ có uy tín. Thậm chí, đơn vị phân phối sản phẩm này còn... tự hào đưa ra các bài viết so sánh sự giống nhau đến y hệt của 4S-Retina Pro với iPhone 4S, cũng như "mổ xẻ" cấu trúc bên trong để người tiêu dùng chiêm ngưỡng chất lượng sản phẩm trên các phương tiện truyền thông. Chứng kiến sự bài bản trong cách PR sản phẩm của các đơn vị này, khó ai có thể tin được đó là một chiếc dịch quảng cáo dành cho những chiếc điện thoại "nhái".
Giới truyền thông tiếp tay?
Trên chuyên mục Công nghệ của một trang tin điện tử dành cho giới trẻ có địa chỉ news.z....vn, có thể dễ dàng nhận thấy có đến ba bài viết có liên quan đến chiếc điện thoại "nhái" 4S-Retina Pro nằm ngay trang đầu tiên của chuyên mục. Thậm chí, có bài viết còn đặt tiêu đề "4 mẹo săn iPhone với giá 5 triệu đồng", nhưng nội dung lại khuyên người dùng tìm mua "bản sao" của iPhone với lý do được đưa ra rằng: "hàng 'nhái' đã có chất lượng, tính năng gần như tương đương iPhone 4/4S chính hãng (!?)". Sự "mập mờ" của nội dung khiến không ít người băn khoăn không rõ mục đích thực sự của bài viết, bởi điều này chẳng khác nào đang cố tình cổ xúy cho hàng giả, hàng "nhái".
Những chiếc Samsung Galaxy S 3 "nhái" này được quảng cáo rầm rộ không khác gì hàng chính hãng. |
Mới đây, trên một trang tin tức có lượng truy cập được xếp vào loại hàng đầu Việt Nam cũng xuất hiện một bài viết giới thiệu về chiếc điện thoại có tên Galaxy III HD. Theo những thông tin và hình ảnh mà đơn vị phân phối sản phẩm này cung cấp trong bài viết thì đây là một sản phẩm "nhái" có thiết kế y hệt như chiếc điện thoại Samsung Galaxy S III, cũng sử dụng màn hình Super AMOLED 4,8 inch và phiên bản HĐH Android 4.0. Một sản phẩm khác là chiếc điện thoại Galaxy Note của Samsung hiện cũng đã xuất hiện những chiếc điện thoại "nhái" có kiểu dáng y hệt, và được quảng cáo khá rầm rộ trên nhiều trang tin tức. Khi những bài viết này được đưa lên, rất nhiều người không thể tin rằng với một trang tin tức có uy tín và lượng truy cập lớn mà việc quảng cáo những chiếc điện thoại "nhái" lại dễ dàng như trở bàn tay.
Về phía ý kiến người tiêu dùng, tuy vẫn có những ý kiến trái chiều về việc các trang tin tức trực tuyến "mở cửa" cho những đơn vị cung cấp điện thoại "nhái", nhưng phần lớn đều tỏ ra không đồng tình. Một người cũng hoạt động trong lĩnh vực truyền thông nhận xét: "Biết rằng một trang tin tức hoặc một tờ báo sẽ khó có thể tồn tại nếu thiếu quảng cáo, nhưng nếu cứ dễ dãi trong việc quảng cáo hàng giả, hàng 'nhái' như bây giờ thì chẳng khác nào đang tự hạ thấp uy tín của cả tờ báo". Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc này dù sao vẫn đỡ hơn so với khi các đơn vị cung cấp điện thoại "nhái" cố tình mập mờ ranh giới giữa hàng giả, hàng "nhái" và hàng chính hãng.
Điều này trái ngược hoàn toàn với thái độ dè dặt, khó chịu khi tiếp xúc với giới truyền thông của các đơn vị, cửa hàng chuyên cung cấp điện thoại "nhái" như trước đây. PV eChip Mobile cũng từng không ít lần bị từ chối thẳng thừng khi cố tiếp xúc với các đơn vị này. Bởi đơn giản với họ, kinh doanh hàng "nhái" mà chơi với truyền thông cũng chẳng khác nào "điếc không sợ súng".
Phải chăng các đơn vị này đang bắt buộc phải tiếp cận với giới truyền thông nếu muốn tồn tại? Hay ngược lại, giới truyền thông đang dần phải bỏ rào cản với những đơn vị kinh doanh điện thoại "nhái" mới có kinh phí để tồn tại?
Công Danh (theo eChip Mobile)