Ở Việt Nam, cụm từ “Nghiên cứu Phát triển” (Development Studies) còn khá mới lạ với nhiều người. Tuy nhiên có rất nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới đã và đang đào tạo chuyên ngành này, thu hút một lượng lớn sinh viên các nước.
Hiếm có một ngành học nào lại có được sự kết hợp tuyệt vời như ngành Nghiên cứu Phát triển. Khi theo học ngành này sinh viên sẽ được truyền cảm hứng về giá trị văn hóa toàn cầu: tình yêu thương, trách nhiệm cộng đồng, tôn trọng sự khác biệt và kết nối văn hóa toàn cầu, các kỹ năng của công dân toàn cầu thế kỷ 21 như phản biện, hợp tác, truyền thông, lãnh đạo đối mặt với khủng hoảng cá nhân, cộng đồng và xã hội…
Bên cạnh đó người học cũng sẽ được cung cấp một khối lượng kiến thức rất phong phú, đa ngành vốn là đặc trưng của lĩnh vực phát triển. Không chỉ được tiếp cận và giải quyết các vấn đề của các quốc gia đang phát triển như đói nghèo, bất bình đẳng, cải cách thể chế, dân số và phát triển... mà còn bao gồm cả những vấn đề cả thế giới đang đối mặt như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nhân quyền và bình đẳng, xung đột trong phát triển... Các môn học không chỉ rất “hot” mà còn được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh như Truyền thông và Phát triển, Quản lý Dự án, Cách mạng số và Phát triển, Tài chính và Phát triển... sẽ giúp sinh viên được cập nhật và tiếp cận các vấn đề một cách sinh động, thực tế.
Ngoài kiến thức, người học còn được đào tạo rất nhiều các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho tương lai của mình như: Vận dụng cách xây dựng và quản lý các dự án phát triển kinh tế - xã hội, phân tích dữ liệu và giải thích hợp lý các vấn đề phát triển theo cách tiếp cận của các khoa học liên ngành, các kỹ năng giao tiếp trong phát triển giao tiếp đa văn hóa, trong khoa học giáo dục đa quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Cộng đồng Châu Âu... Đây là một nét đặc trưng tại Trường Đại học Hà Nội - nơi sinh viên có cơ hội học tập với các thầy cô được đào tạo từ nhiều quốc gia khác nhau và các thầy cô đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như có rất nhiều cơ hội học bổng đi trao đổi tại các nước tiên tiến như Italia, Thụy Sĩ, Thuy Điển...
Nhu cầu nguồn nhân lực ngành Nghiên cứu Phát triển ngày càng có xu hướng tăng lên, sau quá trình được đào tạo chuyên môn vững vàng, thành thạo ngoại ngữ tại Trường Đại học Hà Nội, sinh viên có khả năng làm được rất nhiều công việc đa dạng, liên ngành. Bạn có thể tìm thấy cơ hội tại các cơ quan phát triển (Các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của nước ngoài như Ngân hàng thế giới, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước...), các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, các cơ quan nghiên cứu giảng dạy và cơ quan nhà nước với các vị trí công việc như: cán bộ dự án, cán bộ truyền thông - đối ngoại, cán bộ nghiên cứu, xây dựng chính sách... Tốt nghiệp chuyên ngành Nghiên cứu Phát triển cũng là nền tảng, là chìa khóa giúp sinh viên mở rộng cánh cửa được học các chuyên ngành xã hội khác nhau ở bậc cao hơn và tiếp tục theo đuổi đam mê của mình, được cống hiến cho xã hội để thế giới ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
(Nguồn: Đại học Hà Nội)