Tiền ảo không phải là tiền pháp quy, không phải tiền điện tử và không được thanh toán hợp pháp tại nước ta. Để nhận diện các rủi ro của các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền ảo, tháng 2/2014 Ngân hàng Nhà nước đã thông báo trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về tiền ảo Bitcoin như thế nào và có chỉ thị các ngân hàng thực hiện liên quan đến các giao dịch về tiền ảo.

Để không xảy ra rủi ro và lợi dụng tiền ảo như đối với Bitcoin trong các hoạt động giao dịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo các tổ chức tín dụng hay các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch nghiệp vụ liên quan đến tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận trốn thuế…

Đồng thời, tăng cường rà soát các giao dịch đáng ngờ đối với giao dịch tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán tiền ảo có các biện pháp xử lý về phòng chống rửa tiền và quản lý ngoại hối.

Phát biểu tại hội nghị "Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 20/9, tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và NHNN đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật.

Quá trình xây dựng Luật, nghị định và thông tư, VNBA luôn phối hợp chặt chẽ với đơn vị soạn thảo, đặc biệt là Cục Phòng, chống rửa tiền (NHNN) để tham gia góp ý. Các ngân hàng hội viên cungx đề xuất các giải pháp phát huy hiệu quả cao nhất trong việc phòng và chống rửa tiền.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế, cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những thành tựu đạt được chúng ta phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hoá) - nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.

Trước tình hình đó, từ đầu năm 2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố dự án chống lừa đảo với tên gọi là ChainTracer, một trong 4 chương trình trọng điểm.

Cùng với đó, NHNN đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền. Thông tư quy định, giao dịch tiền điện tử trong nước từ 500 triệu đồng trở lên và chuyển tiền điện tử quốc tế có từ 1.000 USD thì các ngân hàng phải báo cáo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, siết giao dịch đáng ngờ không hẳn chỉ là con số mà phải bằng các nghiệp vụ, bởi nguy cơ rửa tiền vẫn luôn rất lớn, nhất là khi có nhiều công nghệ mới, kinh tế số phát triển…

Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền

Trong Quyết định số 941/QĐ-TTg ban Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025 đã nhấn mạnh các kế hoạch hành động như sau:

Một số bộ liên quan sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Đặc biệt, Kế hoạch yêu cầu nghiên cứu đối với lĩnh vực tài sản ảo để ngăn chặn hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Bộ Công an, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toàn án nhân dân tối cao tăng cường hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền/tài trợ khủng bố, nhất là với các lĩnh vực được xác định rủi ro cao.

Về mục tiêu tổng quát, Chính phủ kỳ vọng, thông qua Kế hoạch sẽ xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt có hiệu quả ở Việt Nam vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG).

Bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính và các đối tượng báo cáo khác, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát đối với tất cả các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của các bộ, ngành; đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt...

Đồng thời, Kế hoạch đưa ra mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản đối với tội rửa tiền/tài trợ khủng bố, đặc biệt đối với các lĩnh vực có rủi ro cao trên cơ sở hợp tác trong và ngoài nước thông qua các cơ chế hợp tác chính thức và phi chính thức. Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả quy trình điều tra, truy tố song song tội rửa tiền với tội phạm nguồn của tội rửa tiền; xây dựng, hoàn thiện quy trình/trình tự điều tra tài chính song song, truy tìm, ngăn chặn, tịch thu tài sản đối với các tội phạm nguồn có rủi ro cao.

Trước đó, trong một họp báo Chính phủ thường kỳ hồi tháng 8 năm ngoái, trả lời câu hỏi về việc có đưa đồng tiền mã hóa vào trong dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền để có thể điều chỉnh, ngăn chặn hành vi rửa tiền hay không, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu rất kỹ, toàn diện vấn đề này để chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Luật về phòng chống rửa tiền vừa sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nghiên cứu và quy định điều khoản mang tính chất khung trong Luật này nhằm phòng chống rửa tiền.

Trên cơ sở đó, Chính phủ cũng quy định cụ thể sản phẩm tài chính hiện nay được sử dụng công nghệ như tiền Bitcoin, tiền ảo và xu hướng phát triển các sản phẩm khác sẽ được xử lý linh hoạt sau khi Luật này được ban hành cũng như các văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư để đảm bảo ngăn chặn rửa tiền, gian lận trốn thuế… thậm chí sử dụng tài sản này để biếu tặng, có tính chất tham nhũng, hối lộ.

Trung Vũ

Hoài Thanh và nhóm PV, BTV