Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ đang triển khai 2 mô hình sản xuất lúa và trồng bưởi Diễn theo hướng hữu cơ. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đơn vị đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý, giám sát. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng. Thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử eGAP… Quy trình sản xuất lúa hữu cơ được camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất. Người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh. Nhờ đó, hợp tác xã có thể kiểm soát được nguồn gốc điện tử cho từng hộ, từng thửa ruộng.

Cũng trên địa bàn Hà Nội, tại huyện Thanh Oai hiện có 12 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Từ 6 năm trước,  hiều hộ dân trồng hoa lan hồ điệp đã chủ động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất: Trồng trong nhà kính, có hệ thống quan trắc độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, dùng công nghệ số quản lý sự sinh trưởng, phát triển của cây. Vườn lan được phân loại với các khung thời gian ra hoa khác nhau, có thể cung ứng thường xuyên cho thị trường.

Đánh giá hiệu quả của các mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt, theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hiện thành phố có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng chuyển đổi số, trong đó có 262 mô hình ở lĩnh vực trồng trọt. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Các mô hình hiệu quả tập trung tại các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoa

Nhìn chung, công tác chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng bước đầu tạo sự thay đổi từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng công nghệ số. Để hỗ trợ các hợp tác xã trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, tập huấn ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp. Các buổi tọa đàm, tập huấn đều có chuyên gia hướng dẫn để người dân, hợp tác xã hiểu hơn về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; giải đáp vướng mắc trong quá trình sản xuất, áp dụng vào thực tiễn.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản như việc áp dụng Internet vạn vật (IoT), cảm biến trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán, chi phí đầu tư lớn, trong khi trình độ nhận thức của hợp tác xã, người dân về chuyển đổi số còn hạn chế…

Xác định xu thế chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc để tạo đột phá trong phát triển kinh tế nói chung, lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản nói riêng. Để thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Sở tiếp tục nghiên cứu xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản có sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain); thử nghiệm, chuyển giao, áp dụng các mô hình, giải pháp nông nghiệp số phù hợp điều kiện của Hà Nội; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp tin học viễn thông trên địa bàn thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn, đào tạo về kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn nông dân sử dụng dịch vụ số của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng tiếp tục củng cố, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giới thiệu các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử liên quan để giúp người dân nắm bắt, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên môi trường số...

Đi cùng với đó là các chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp thông minh, trong đó, chú trọng giải pháp về công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch, kết nối thị trường nông sản và sản phẩm OCOP; hỗ trợ công nghệ canh tác thông minh để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn…