Sáng 28/1 (tức mùng 7 Tết), UBND huyện Hương Khê và xã Phú Gia cùng hàng nghìn người dân tập trung tổ chức lễ hội rước báu vật vua Hàm Nghi, hay còn gọi là lễ hội Hàm Nghi - Sơn Phòng. 

Lễ hội rước báu vật vua Hàm Nghi được tổ chức xen kẽ hai năm một lần, vào mùng 7 Tết

Đây là lễ hội văn hóa truyền thống độc đáo trong những ngày đầu xuân năm mới để dâng hương ngưỡng vọng Đức thánh mẫu và tưởng nhớ vua Hàm Nghi. Tổ chức lễ hội để tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc tới những công lao to lớn của vua Hàm Nghi, ngoài ra, lễ hội diễn ra còn cầu mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê đánh trống khai mạc lễ hội

Lễ rước sắc phong vua Hàm Nghi được tổ chức trang trọng ở cả 3 ngôi đền là đền thờ Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm (còn gọi là đền Trầm Lâm), đền thờ vua Hàm Nghi và đền Công Đồng.

Theo sử sách, năm 1885, vua Hàm Nghi tiến quân ra xã Phú Gia (huyện Hương Khê) huy động nhân dân cùng đào hào, đắp lũy, xây thành Sơn Phòng, chiêu binh, tuyển tướng bảo vệ dinh lũy. Tại đây, vua đã ban chiếu Cần Vương, kêu gọi toàn dân đánh đuổi giặc Pháp. Thời gian này, nhà vua bị quân Pháp vây bắt nhiều lần, nhưng không thành.

Lễ bàn giao báu vật vua ban từ ông Trần Văn Nhung – nguyên cố đạo chủ sang ông Phan Hùng Vỹ, tân cố đạo chủ năm 2023
Sau thời gian xin keo, ông Phan Hùng Vỹ được chọn là tân cố đạo chủ là người giữ báu vật vua Hàm Nghi

Tại đây, nhà vua đã ban tặng cho đền Trầm Lâm một số báu vật như: voi vàng, nghê đồng, áo mũ, vọng lộng, đục lạc, đặc biệt là ban đạo sắc phong... Trải qua nhiều biến cố của lịch sử nhưng các báu vật của vua ban này vẫn luôn được người dân ở xã Phú Gia bảo vệ, giữ gìn cẩn thận và truyền từ đời này qua đời khác.

Báu vật vua ban gồm voi vàng, nghê đồng, áo mũ, vọng lộng, đục lạc... Thủ tục kiểm tra báu vật trước sự chứng kiến của người dân trước khi đưa cho tân cố đạo

Theo tục lệ, người giữ báu vật vua ban là cố đạo chủ được dân làng tín nhiệm, sau đó xin thần linh, giang sơn chứng giám qua đồng tiền hạ keo. Vào ngày mùng 7 tháng Giêng, hai năm tổ chức một lần, ban lễ nghi là các vị già làng và toàn thể nhân dân làng tổ chức lễ hội truyền thống xin chuyển giao, rước các báu vật này từ nhà cố đạo chủ cũ tới nhà cố đạo chủ mới để tiếp tục lưu giữ, bảo quản cẩn thận.

Tại lễ rước, các thanh niên trai tráng chưa vợ được chọn lựa từ các thôn trong xã làm trai kiệu, 8 người khiêng 1 kiệu
Kiệu đi đầu rước ảnh vua Hàm Nghi, kiệu kế tiếp rước sắc Đức Đại Vương, kiệu cuối cùng rước Đức thánh mẫu và Mã Hồng Công chúa
Hàng nghìn người dân tham gia lễ hội rước báu vật vua ban
Người dân quan niệm, năm nào cố đạo chủ canh giữ, bảo vệ tốt báu vật vua ban thì năm đó dân chúng làm ăn thuận hòa, ấm no và gặp nhiều điều may mắn, sức khỏe, bình an

Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết: "Lễ hội rước báu vật vua Hàm Nghi được tổ chức hai năm một lần. Tân cố đạo chủ là người có độ tuổi trên 60, phải là người vẫn đang còn cả vợ cả chồng, thuộc gia đình gia giáo. Ngoài ra, để chọn được tân cố đạo, phải tổ chức xin keo. Ví dụ dân làng chọn ra 3 cụ, tổ chức xin keo, người dân quan niệm nếu thần linh đồng ý cho cố đạo nào thì cố đạo đó được canh giữ báu vật".