Hiện nay có gần 46 triệu người Mỹ (15% dân số) sống dựa trên chế độ tem phiếu thực phẩm. Con số này đã tăng 74% kể từ năm 2007, ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tể toàn cầu dẫn đến thất nghiệp hàng loạt.
Genna Saucedo là giám sát thủ quỹ tại một cửa hàng Wal-Mart ở Pico Rivera, California, nhưng tiền lương của cô không đủ để nuôi sống bản thân và cậu con trai 12 tuổi.
Saucedo, có mức lương 9,70 USD/ giờ, làm việc khoảng 26 giờ/tuần và sống với mẹ, cũng là một trong nhiều người Mỹ, những người sống sót bởi chế độ tem phiếu thực phẩm của chính phủ.
Hiện nay có gần 46 triệu người Mỹ (15% dân số) sống dựa trên chế độ tem phiếu thực phẩm. Con số này đã tăng 74% kể từ năm 2007, ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tể toàn cầu dẫn đến thất nghiệp hàng loạt.
Cùng với đó là các chi phí của chính phủ tăng gấp đôi ở mức 68 tỷ USD năm 2010 - hơn 1/3 của số tiền chính phủ Mỹ thu được từ thuế thu nhập doanh nghiệp năm đó. Điều đó có nghĩa là vấn đề này đã bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đang tìm biện pháp để cắt giảm thâm hụt ngân sách quốc gia.
Rõ ràng là có một số người đã lạm dụng để được hưởng chế độ tem phiếu thực phẩm nhưng không thực sự cần chúng, trong khi đó có rất nhiều người Mỹ như Saucedo hiện tại phải cắt bớt tiền chi cho thực phẩm để thanh toán các hóa đơn tiền nhà, điện nước và các dịch vụ cần thiết khác.
"Đó là một thực tế đáng buồn vì tôi đang làm việc nhưng tôi vẫn cần phải sự trợ giúp của chính phủ", người phụ nữ 32 năm tuổi, làm việc cho Wal-Mart được khoảng 9 tháng cũng đang được hưởng chi phiếu thực phẩm than thở. Cô cho biết rằng nhiều đồng nghiệp của cô cũng trong tình trạng tương tự.
Bill Simon, người đứng đầu chuỗi cửa hàng Wal-Mart ở Mỹ phát biểu trong cuộc họp gần nhất ở công ty rằng số lượng khách hàng của Wal-Mart đã gia tăng nhờ sự hỗ trợ cho thực phẩm của chính phủ.
Bữa trưa của một gia đình ở California |
Carolyn McLaughlin, giám đốc điều hành BronxWorks, một tổ chức dịch vụ xã hội ở New York phát biểu: "Nếu họ đang làm việc, họ thường nghĩ rằng họ không bao giờ nhận được sự giúp đỡ. Nhưng những người này không thể giúp gì cho những thành viên khác trong gia đình với mức lương khoảng 10, 11, 12 USD/giờ, đặc biệt là khi họ còn mất chi phí đi lại, tiền quần áo và thuê nhà.
Số tiền tối đa một gia đình bốn người nhận được từ chương trình tem thực phẩm là 668 USD/tháng. Họ chỉ có thể sử dụng phiếu hỗ trợ này để mua thực phẩm.
Các đời tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đều nỗ lực để nâng cao nhận thức về chương trình này và loại bỏ sự kỳ thị vốn có với nó.
Năm 2004, phiếu giảm giá bằng giấy đã được thay thế bằng các thẻ nhựa giống như thẻ ghi nợ và những trợ cấp có thể được nạp thay vì phân phát. Trong năm 2008, chương trình này được đổi tên thành Chương trình Hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP) nhưng mọi người vẫn quen gọi nó là tem phiếu thực phẩm.
Mặc dù chương trình này từng nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng nhưng phát biểu của một số chính trị gia gần đây khiến những người ủng hộ chương trình này lo lắng.
Cựu chủ tịch Hạ viện, đối thủ tiềm năng của Obama trong cuộc chạy đua vào nhà Trắng năm tới, Newt Gingrich chế nhạo đảng Dân chủ là "Đảng của tem phiếu". Và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Hạ viện đề xuất thay đổi phương thức tài trợ là "khoán" cho các tiểu bang chứ không cho phép nó tự hoạt động khi cần thiết trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai hay khủng hoảng kinh tế.
Ở một số vùng của Mỹ, người tiêu dùng sử dụng tem phiếu thực phẩm đã trở lên quen thuộc. Tháng 5/2011, gần 1/3 người dân ở Alabama được phát tem phiếu thực phẩm - một phần là do dân vùng này được hỗ trợ sau sự tàn phá của hàng loạt các trận lốc xoáy. Washington DC, Mississippi, New Mexico, Oregon và Tennessee cũng có khoảng 1/5 dân số được trợ cấp phiếu thực phẩm.
Parke Wilde, giáo sư về chính sách lương thực của Mỹ tại Đại học Tufts cho biết: "Tem phiếu thực phẩm truyền thống được tách biệt với vấn đề chính trị. Nhưng khi bạn nhìn vào tình hình tài chính của chính phủ thì bạn sẽ tự hỏi rằng về cơ bản đã có một cái gì đó thay đổi chăng?"
Hỗ trợ người có thu nhập thấp
Trải qua 20 năm, đặc điểm của các đối tượng hỗ trợ của chương trình đã thay đổi. Năm 1989, số người được hưởng trợ cấp nhiều hơn số người đang làm việc, nhưng năm 2009 số người có việc làm nhận được trợ cấp nhiều hơn số người không có việc làm.
"SNAP ngày càng mở rộng các hoạt động hỗ trợ", ông Ed Bolen, nhà phân tích tại Trung tâm Ngân sách và các chính sách ưu tiên nói.
Và 6% trong số 72,9 triệu người Mỹ làm việc theo giờ nhận được số tiền lương bằng hoặc thấp hơn mức tối thiểu năm 2010 là 7,25 USD/giờ. Theo số liệu của chính phủ thì con số này đã tăng từ 4,9% trong năm 2009, và 3% phần trăm vào năm 2002.
Bolen cũng cho biết thêm nếu chỉ dựa trên thu nhập, những người phải nuôi con luôn luôn nhận được trợ cấp phiếu chi thực phẩm.
"Chương trình này đã trở thành hình thức trợ cấp ngầm cho những người có lương thấp, đồng thời sẽ khiến họ không nỗ lực làm những việc có mức lương cao hơn và điều này thực sự không phải là một điều tốt", ông Arindrajit Dube, giáo sư kinh tế của Đại học Massachusetts Amherst đưa ra nghiên cứu cho thấy rằng nâng lương tối thiểu sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Cho đến một vài tuần trước Tashawna Green, 21 tuổi, đến từ Queens Village, New York, đang làm việc 25 giờ/tuần với mức lương theo giờ là 8,08 USD tại cửa hàng bán lẻ Target, cũng được hưởng trợ cấp tem phiếu thực phẩm, một số đồng nghiệp cũ của cô cũng được hưởng chế độ này.
"Đó là một việc làm tốt của chính phủ , nhưng nếu người sử dụng lao động trả đủ tiền cho số giờ mà chúng tôi đã làm thì chúng tôi sẽ không cần đến tem phiếu thực phẩm nữa" ông Green, người đang phải nuôi cô con gái 6 tuổi nói.
Tất nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp trên 9%, nhiều người nghĩ rằng có một công việc đã là may mắn rồi.
Hàng triệu người Mỹ hết hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ tồn tại nhờ vào tem phiếu thực phẩm và các viện trợ khác của chính phủ, chẳng hạn như hỗ trợ chăm sóc sức khỏe Medicaid.
Jessica King, 25 tuổi, đến từ Portland, Oregon cho biết ngay cả khi nhận được trợ cấp thất nghiệp, gia đình cô cũng không đủ khả năng để thanh toán một số hóa đơn.
Chồng Stephen King, 30 tuổi, một công nhân lắp ráp điện tử, mất việc 2 tháng trước đúng vào thời điểm cô đang mang thai 7 tháng đứa con thứ hai. Đây là lần thứ 3 người đàn ông này bị sa thải kể từ năm 2008. Cô nói ban đầu cô ấy đã miễn cưỡng sống nhờ tem phiếu thực phẩm.
"Tôi cảm thấy nợ đất nước và tôi không muốn mình là một phần của vấn đề. Nhưng tôi không biết làm gì khác cả và tôi quyết định sẽ làm những gì tốt nhất cho con gái mình", King đầu bếp của một tổ chức phi lợi nhuận chia sẻ.
Bích Ngọc (Theo Reuters)