- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong vừa mở một triển lãm ảnh quen mà lạ, về một sinh hoạt đời thường: đọc báo.
Triển lãm mang cái tên giản dị, "Đọc báo", trưng bày 80 tác phẩm tại Nhà triển lãm TP.HCM. Các bức ảnh được tác giả chụp ở nhiều địa phương trên cả nước, với nhân vật gồm nhiều tầng lớp trong xã hội, và tất nhiên, đọc nhiều đầu báo khác nhau.

Trong không gian công cộng, người Việt Nam cho thấy hiếm khi cầm trên tay cuốn sách. Tờ báo mới là vật dụng quen thuộc mà nhiều đối tượng trong xã hội thường mang theo bên mình. Người ta có thể bắt gặp hình ảnh đọc báo ở nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ trong quán ra vỉa hè, từ trên xe lửa xuống ghe xuồng...
Khá dễ dàng để nhà nhiếp ảnh cầm máy lên đường là có thể nhìn thấy, tiếp cận và ghi lại được hình ảnh người dân đọc báo, đặc biệt ở các đô thị. Song người chụp cũng rất khó khăn trong việc bắt đứng những khoảnh khắc, chọn lọc những hình ảnh đắt về một sinh hoạt đời thường rất quen thuộc này.
Từng một thời niên thiếu sống bụi đời vỉa hè, đi bán báo dạo, vé số kiếm sống, Trần Thế Phong ngoài góc nhìn khách quan của một tay máy, còn mang tâm thế của một người từng ở trong cuộc. Tác phẩm của anh ít nhiều ánh lên cái nhìn của một tác giả hay lê la phố phường.

Trần Thế Phong chụp chân phương, gần gũi, nhưng cũng có đây đó một vài bức thấp thoáng sự xa cách, rụt rè, bên cạnh nhiều bức thể hiện ánh mắt hài hước của tác giả. "Báo mang đến thông tin, thể hiện phần nào văn hóa đọc, và cũng là người đồng hành, mang hơi thở sống của tâm hồn", Trần Thế Phong chia sẻ.
Trần Thế Phong đã thực hiện nhiều dự án nhiếp ảnh nghệ thuật, ảnh thời sự báo chí, đặc biệt về đề tài trẻ đường phố, trẻ nghèo, bất hạnh. Nhân triển lãm này, Trần Thế Phong cho ra mắt cuốn sách ảnh "Những nẻo đường tuổi thơ" tập hợp hơn 150 tác phẩm anh chụp trong hơn 10 năm qua, bán để trích tiền giúp trẻ em nghèo ở Cà Mau.


Long Ha