Trang điện tử Nhân dân Nhật báo đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân gần đây đã được bổ nhiệm là Bí thư Đảng uỷ Bộ Ngoại giao của nước này.

Với tiêu đề “Trung Quốc thay thế quan chức ngoại giao cấp cao”, Washington Post bình luận, động thái của Trung Quốc diễn ra trong xu thế nước này ngày một quả quyết hơn trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và nỗ lực tham gia các tổ chức toàn cầu.

Hãng AP thì cho rằng, việc ông Trương Chí Quân đảm nhận chức vụ Bí thư Đảng uỷ của bộ, dường như đã đặt ông vào con đường sẽ thay thế vị trí của Ngoại trưởng đương nhiệm Dương Khiết Trì.

Hãng này cũng nhắc lại việc đương kim Bộ trưởng, ông Dương từng “phản ứng quá mức” tại một hội nghị an ninh tổ chức ở Việt Nam năm nay, khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Washington ủng hộ một giải pháp hoà bình cho tranh chấp Biển Đông, và khu vực này là một lợi ích quốc gia của Mỹ.

Ông Trương, 57 tuổi, từng làm việc nhiều năm trong Ban Quan hệ Quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ yếu đảm nhận việc liên lạc với các đảng chính trị nước ngoài, cho tới khi ông trở thành thứ trưởng ngoại giao năm ngoái.



Cho tới thời điểm hiện tại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bình luận gì về chuyện bổ nhiệm mới. 

Trong khi đó, nói về việc bổ nhiệm ông Trương, Nhân dân Nhật báo Trung Quốc nhấn mạnh rằng, ngoại trưởng đương nhiệm Dương Khiết Trì sẽ bước sang tuổi 61 trong năm tới.

Theo báo này, thông tin bổ nhiệm ông Trương làm Bí thư Đảng uỷ Bộ Ngoại giao được thông tin rộng rãi trên các trang web chính thức.

Chỉ vài ngày trước đây, ông Trương Chí Quân đã đề cập tới tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, khi khẳng định rằng, Trung Quốc quan ngại sâu sắc và lo lắng về “tình hình nguy hiểm” ở đây. Ông cho rằng, nếu một cuộc xung đột quân sự bùng nổ trên bán đảo sẽ là một thảm kịch khiến những người anh em Triều Tiên giết chóc lẫn nhau, phá huỷ ổn định và hoà bình khu vực, có ảnh hưởng nghiêm trong tới các quốc gia láng giềng trong đó có Trung Quốc.

Theo Washington Post, vị trí mới trong đảng có thể đồng nghĩa với việc ông Trương sẽ có tiếng nói hơn so với người tiền nhiệm trong vấn đề hoạch định chính sách, khi Trung Quốc từ bỏ cách tiếp cận cũ với thế giới bên ngoài. Sức mạnh kinh tế nước này đang gia tăng giữa lúc toàn cầu suy giảm khiến vị thế của các cường quốc truyền thống như Mỹ trở nên yếu hơn. Trong khi đó, lãnh đạo Trung Quốc lại đòi hỏi một tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, hay ở các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc.

Hãng tin AP bình luận, việc Trung Quốc ngày càng “quả quyết hơn” trong vấn đề tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, nhất là ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã gây ra phản ứng ngược từ các quốc gia trong khu vực, khiến họ gần gụi hơn với Washington.

Theo giới phân tích, nhiều quan chức quân đội Trung Quốc tin rằng, cần có cách tiếp cận cứng rắn hơn trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng nhiều quan chức nội các lại muốn thúc đẩy các lợi ích “êm ả” hơn của Trung Quốc trong kinh tế, truyền thông cũng như văn hoá. Quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc - Uỷ viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc dường như hướng tới sự cân bằng giữa những khác biệt trong các quan điểm trên.

Không có nhiều thông tin cá nhân về ông Trương Chí Quân.

Năm trước, ông Trương đảm nhận vị trí thứ trưởng ngoại giao, thay cho ông Vương Quang Á - một nhà ngoại giao kỳ cựu từng là đại sứ Trung Quốc tại LHQ từ 2003-2008, thời điểm Trung Quốc tận dụng lợi thế Mỹ “vướng bận” vấn đề Iraq để mở rộng không quan ngoại giao của họ.

Năm 2010 được cho là một năm ngoại giao gặp nhiều khó khăn với Trung Quốc. Trong năm này, đại diện của Trung Quốc ở nước ngoài đã “có tiếng” về kiểu đàm phán cứng rắn. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Copenhagen thể hiện rõ điều này.

Đặc biệt năm nay, trong vấn đề xác định chủ quyền, Bắc Kinh tỏ ra ngày một quả quyết hơn. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama đã "chọc giận" Bắc Kinh hồi tháng 7 khi coi Biển Đông là “lợi ích quốc gia” của Mỹ. Đáp trả những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, những nhận định có vẻ vô tư đó nhằm "tấn công" vào Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc từng khẳng định, khu vực này là “lợi ích cốt lõi” của họ.

Ngoài Biển Đông, biển Hoa Đông cũng trở thành tâm điểm khiến quan hệ Trung - Nhật căng thẳng. Ngày 7/9, Nhật đã bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc sau vụ va chạm giữa tàu này với hai tàu tuần tra thuộc Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản. Vụ va chạm xảy ra ở gần quần đảo mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền gọi là Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc) hay quần đảo Senkaku (theo tiếng Nhật) tại Hoa Đông. Vị thuyền trưởng sau đó đã tự do, nhưng quan hệ Trung - Nhật vẫn còn trắc trở.

Mọi nỗ lực hàn gắn bất đồng trước chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Washington đầu năm tới đã gặp trở ngại vào tháng 12, khi quân đội Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc. Bắc Kinh đã từ chối lên án Bình Nhưỡng vì vụ việc này. Trong khi Washington thúc giục Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình để kiềm chế Bình Nhưỡng, Trung Quốc lại kêu gọi nối lại bàn đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Mỹ, Nhật và Hàn Quốc thờ ơ với đề xuất này.

Thái An tổng hợp