Năm 2000, trong chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đến HN, người HN đã giật mình khi nghe ông Bill Clinton trích thơ Nguyễn Trãi và "lẩy" Kiều.
Văn hoá trong thế giới hội nhập
Bảo tồn văn hoá truyền thống trong thời hội nhập ngày càng khó. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Hội nhập và toàn cầu hoá đang là những thực tế sôi động diễn ra không chỉ ở một châu lục, khu vực, cộng đồng rộng lớn mà còn ở trong mỗi quốc gia, mỗi cá nhân. Hội nhập và toàn cầu hoá cũng không chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh tế mà ngày càng sâu đậm hơn trong lĩnh vực văn hoá. Theo đó, tính đa dạng và bản sắc của mỗi nền văn hoá sẽ có dịp cọ xát, tiếp biến, cộng sinh.
Những nét dị biệt của từng dân tộc sẽ cần được đối thoại để đồng hành, những di sản truyền thống phải được kiện toàn để đối mặt với thử thách mới. Những vấn đề này, một cách cấp thiết đòi hỏi cái nhìn thấu đáo và cách ứng xử, giải quyết đúng đắn nhằm xác lập bảng hệ giá trị mới có khả năng tạo đà phát triển cho xã hội. Hội thảo khoa học quốc tế "Văn hoá trong thế giới hội nhập" do ĐH Văn hóa HN tổ chức tại Hà Nội ngày 25/11 nhằm hướng đến mục tiêu đó.
Hội thảo đã nhận được 55 tham luận của các nhà nghiên cứu, học giả đến từ các Viện, trường ĐH trong và ngoài nước (Úc, Thái Lan, Hàn Quốc, Hungary...). Từ chủ đề hội thảo, các tham luận tập trung vào 3 vấn đề.
Một là Bản sắc văn hoá dân tộc và toàn cầu hoá. Các tham luận nhấn mạnh xu thế tất yếu của toàn cầu hoá trong đó có toàn cầu hoá văn hoá. Văn hoá VN với sự đa dạng vốn có của nó, theo các nhà nghiên cứu đã và đang tham gia vào quá trình toàn cầu hoá văn hoá, nơi cơ hội và khó khăn gần như song hành với nhau. Và để không bị mất vị thế là quốc gia có nền văn hiến lâu đời, vấn đề bản sắc văn hoá, bản sắc dân tộc VN một lần nữa được bàn rộng thêm và có sự cập nhật nhiều dẫn dụ mới.
Hai là Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc. Các tham luận đã chỉ rõ việc bảo tồn di sản văn hoá dân tộc là hết sức quan trọng. Mỗi địa phương, cộng đồng thiểu số đang có những cách giữ gìn văn hoá truyền thống riêng. Tuy nhiên, để truyền thống không trở thành gánh nặng mà là động lực góp phần phát triển xã hội thì nó cần được tham chiếu ở khía cạnh ứng dụng, cải biến cho phù hợp với đời sống hiện đại. Nhiều tham luận đã mô tả việc kết hợp văn hoá trong và với du lịch là giải pháp khả thi đang được nhân rộng
Ba là Những chuyển động của văn hoá đương đại. Đây là nội dung thu hút rất nhiều nhà nghiên cứu. Bằng việc bàn luận, phân tích, đưa ra gợi ý giải pháp trong những hoạt động văn học, điện ảnh, ngoại giao, xuất bản, thư viện, bảo tàng.... các nhà nghiên cứu cho thấy văn hoá đương đại đang là một thực thể có nhiều tiềm năng dự phòng. Vì thế, trải nghiệm văn hoá đương đại đòi hỏi tư thế nhập cuộc mạnh mẽ, cởi mở và không ngừng hoàn thiện tri thức xã hội cũng như hệ thống chính sách quản lý, đầu tư của nhà nước cũng như các cấp ngành liên quan.
Các tham luận cho thấy bức tranh toàn cảnh về thời kỳ hội nhập, toàn cầu hoá và chuyển dịch văn hoá, tính thống nhất và đa dạng văn hoá VN cũng như bản sắc văn hoá Việt trong hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, cũng có những cảnh báo từ tác động của quá trình toàn cầu hoá trong việc bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc cũng như nguy cơ MẤT và RỖNG bản sắc văn hoá trong xã hội hiện đại. Phạm vi được bàn thảo cũng khá rộng, từ điện ảnh đến du lịch, từ văn học mạng đến các ngành công nghiệp văn hoá...
Phở và chuyện cựu Tổng thống Mỹ "lẩy" Kiều
Cựu TT Mỹ Bill Clinton trong một lần đến HN. Ảnh: Việt Dũng
Trong tham luận "Vai trò của Ngoại giao văn hoá trong thế giới hội nhập (tham luận Ngoại giao văn hoá - cầu nối các dân tộc của PGS. TS Đinh Thị Vân Chi) viết: "Tại một cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại HN, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã "quảng cáo" rất chi tiết cho thương hiệu Phở VN khiến không khí buổi gặp mặt trở nên sôi nổi và thú vị đến nỗi Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Condoleezza Rice đã phải thốt lên: "Thôi, để tôi thử ăn bát phở đã, rồi sẽ phát biểu"...
Năm 2000, trong chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đến HN, người HN đã giật mình khi nghe ông Bill Clinton trích thơ Nguyễn Trãi và "lẩy" Kiều. Tiếp đó, khi phát biểu trước công chúng người Việt, vị Tổng thống Mỹ đã khéo léo nhắc tên các vận động viên thể thao VN vừa đạt thành tích cao ở các giải đấu quốc tế và khu vực. Ông còn nhắc tới cả những cây gia vị quen thuộc của VN được trồng tại trang trại của một người Việt ở Virginia.
Cả việc cựu Tổng thống Thomas Jefferson đã tìm cách mua hạt giống gạo của VN để trồng ở trang trại của ông 200 năm trước... cũng đã được nhắc lại, tạo không khí cởi mở, hữu nghị cho hai nước cựu thù. Những câu chuyện đậm chất văn hoá đã giúp ông Bill Clinton vượt qua được sự nghi ngại từ hai phía. Có thể nói, ngoại giao văn hoá đã được ông vận dụng hết sức tài tình, tinh tế và đạt hiệu quả ngoài sức tưởng tượng.
Năm 1960, khi quốc vương và hoàng hậu Thái Lan đến thăm cố đô Huế, chính quyền sở tại đã mời khách một bữa cơm thuần Huế có 10 món Huế đặc sắc được chế biến từ mắm cà pháo, cá ngừ rất kỳ công và ấn tượng. Vua và Hoàng hậu Thái Lan sau bữa tiệc đã hết lời khen ngợi. Sau đó, báo Bangkok Time đã tường thuật: "Tại bữa tiệc ở thành phố Huế, đức vua đã thưởng thức một cách ngon lành các món mắm Huế được bày biện trong các đĩa sành nhỏ xinh xinh". Đó là bữa tiệc ngoại giao độc đáo chưa từng có.
Ngày nay ngoại giao văn hoá được xác định là một trong ba trụ cột của ngoại giao VN. Văn hoá không còn là những sự kiện bên lề đi kèm các hoạt động ngoại giao mà là những sự kiện được đầu tư, có chủ đích, là phương tiện để quảng bá đất nước, con người VN. Nhờ có những sự kiện ngoại giao văn hoá mà bạn bè thế giới biết đến nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh, rối nước Thăng Long. Cũng nhờ có ngoại giao văn hoá mà Phở, nem rán, nem cuốn, cá món bánh và chè Huế được biết đến tại nhiều nước khác nhau.
Ở nước ngoài, hình ảnh về đất nước và con người VN cùng với những thành tựu đổi mới được phát liên tục 3 tháng liền trên các kênh CNN, BBC. Hàng loạt các sự kiện văn hoá được tổ chức ở khắp các châu lục, kể cả những địa bàn xa như Nam Phi, Bắc Mỹ... Bên cạnh nỗ lực quảng bá hình ảnh, VN đã vận động và được bầu chọn là Uỷ viên Hội đồng chấp hành UNESCO. Sự đa dạng các loại hình danh hiệu văn hoá quốc tế được thể hiện qua một loạt các di sản được UNESCO công nhận như Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Khu dự trữ sinh quyền Cù lao Chàm và mũi Cà Mau, Mộc bản Triều Nguyễn, vịnh Lăng Cô hay gần đây nhất là 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu, khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, lễ hội Gióng...
Câu chuyện bản sắc
Làm ngoại giao bằng văn hoá quan trọng không kém làm chính trị. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ văn hoá đối ngoại và UNESCO - Bộ Ngoại giao trong bản tham luận "Ngoại giao văn hoá trong thế giới hội nhập" nhấn mạnh: "Trong thế giới phẳng ngày nay, sự phát triển của quan hệ quốc tế qua các thời kỳ, cùng với đó là quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động ngoại giao văn hoá của các quốc gia trên thế giới cũng có những thay đổi cả về hình thức và tính chất. Theo GS. Joseph S.Nye (ĐH Havard, Mỹ), Ngoại giao văn hoá là một ví dụ hàng đầu về sức mạnh mềm hoặc khả năng thuyết phục thông qua văn hoá, giá trị và những tư tưởng trái với "sức mạnh cứng", tức là "chinh phục" hoặc cưỡng ép thông qua sức mạnh quân sự".
Thông qua các hoạt động ngoại giao văn hoá sẽ giúp các nước giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá độc đáo của dân tộc mình với bạn bè quốc tế, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá của nhân loại. Ngoại giao văn hoá đã trở thành một trong ba trụ cột của nền ngoại giao hiện đại, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Hiện nay trong xu thế toàn cầu hoá, người ta nói nhiều đến quyền lực mềm của văn hoá đang tạo ra ảnh hưởng lớn hơn quyền lực chính trị hay quân sự.
Tuy nhiên, hệ quả của toàn cầu hoá cũng dẫn đến những nguy cơ mới như PGS.TS Ngô Văn Giá trong tham luận "Nguy cơ mất và rỗng bản sắc văn hoá trong xã hội hiện đại" cũng đã lên tiếng cảnh báo: "Bên cạnh nguy cơ để mất bản sắc văn hoá thì đồng thời cũng có một nguy cơ nữa, đó là tình trạng rỗng bản sắc văn hoá ở một số cá nhân hoặc nhóm cá nhân trong xã hội hiện đại. Chúng ta đã từng nghe không ít học giả hoặc hoặc dư luận truyền thông nói chung cảnh báo về xu hướng toàn cầu hoá văn hoá... Một khi đã toàn cầu hoá về văn hoá thì nguy cơ làm suy kiệt hoặc xơ cứng đơn điệu đối với mỗi nền văn hoá là nhỡn tiền... Theo quan sát của tôi tại VN hiện nay, tình trạng đánh mất dần bản sắc ở cấp độ cộng đồng và các các nhân là quá rõ".
"Điều cần lưu ý là sự giao lưu văn hoá diễn ra nhưng nên làm phương hại đến bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Mỗi nền văn hoá dân tộc cần được giàu lên, phong phú thêm lên trong khi không thể đánh mất bản sắc độc đáo của dân tộc mình. Nếu quá trình giao lưu văn hoá đem đến một kết quả ngược lại thì điều này sẽ là thảm hoạ đối với nền văn hoá chung của cả thế giới bởi lúc đó vẻ đẹp của sự khác biệt trong nền văn hoá thế giới sẽ không còn. Do vậy, UNESCO chủ trương đa dạng các nền văn hoá của các dân tộc", trích tham luận "Tính thống nhất và đa dạng của văn hoá Việt Nam trong giao lưu, hội nhập quốc tế" của PGS.TS Nguyễn Văn Cần.
Giữ gìn bản sắc văn hoá trong thời kỳ hội nhập có lẽ sẽ còn là một câu chuyện dài không hồi kết.
-
Hoàng Vy