Ngày 18/5, sau hơn 20 ngày không có ca bệnh, TP.HCM liên tục phát hiện các chuỗi lây nhiễm mới. Chuỗi thứ nhất tại một công ty chuyên về kiểm toán ở quận 3, gồm hai 2 bệnh nhân 4514, 4583. Họ là đồng nghiệp, làm chung trong một văn phòng.
Kết quả điều tra truy vết, có 193 người tiếp xúc gần, 1.380 người tiếp xúc khác, đã được cách ly y tế. Có 9.113 người được lấy mẫu xét nghiệm mở rộng tại các khu vực liên quan. Tổng cộng thực hiện 10.686 mẫu xét nghiệm.
Kết quả giải trình tự gene hai bệnh nhân có cùng một nguồn lây do biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Án Độ).
Chuỗi thứ hai tại quán bánh canh ở quận 3, phát hiện ngày 21/5, gồm 5 bệnh nhân 4780, 4781, 4782, 5329, 5463. Trong đó, ngày 2/6, bệnh nhân 5463 đã tử vong do Covid-19 nặng trên cơ địa suy thận mạn giai đoạn cuối.
Ngành y tế thành phố truy vết được 174 người tiếp xúc gần, 835 người tiếp xúc khác, mở rộng xét nghiệm cho 1.382 người. Tổng cộng thực hiện 2.391 mẫu xét nghiệm. Đến nay chưa phát hiện thêm người mắc bệnh. Kết quả giải trình tự gene các bệnh nhân trong chuỗi lây nhiễm này là biến chủng Anh (B.1.1.7).
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở một phường tại TP.HCM. Ảnh:Thanh Tùng |
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, hai chuỗi lây nhiễm trên đã được kiểm soát, không nghi nhận thêm ca bệnh mới từ ngày 25/5 đến nay.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM với Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, bác sĩ Dũng cho biết, trong 7 ngày qua, thành phố đang đối mặt với hai chuỗi lây nhiễm mới là nhóm truyền giáo Phục hưng và hai vợ chồng cư trú quận Tân Phú.
Ổ dịch nhóm truyền giáo Phục Hưng phát hiện ngày 26/5 qua khai báo của các hội viên có dấu hiệu bệnh, đến khám tại bệnh viện.
Đến tối 2/6, thành phố đã có 248 trường hợp dương tính với nCoV. Kết quả giải trình tự gen SARS-CoV-2 của 7 người bệnh đầu tiên là hội viên nhóm truyền giáo đều thuộc biến chủng Ấn Độ (B.1.617.2).
Theo bác sĩ Dũng, nhóm truyền giáo có 55 hội viên, trong đó 40 người đã xác định mắc bệnh, chiếm tỷ lệ 70%. Các hội viên này sống ở 16/22 quận huyện và lây nhiễm tiếp cho các bệnh nhân tại nơi họ sống và làm việc, hình thành các ổ dịch tại 20/22 quận huyện và 6 tỉnh miền Nam (gồm Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu). Hiện nay có một số ổ dịch đáng chú ý như:
Công ty TNHH Thiên Tú FN ở Tân Bình có 50 ca nhiễm. Bệnh nhân 6301 lây nhiễm cho 44 ca F1, 5 ca F2. Bệnh nhân là các nhân viên làm chung và lây lan tiếp cho người nhà.
Người dân phường 3, quận Gò Vấp đang xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm nCoV. Ảnh: Trịnh Đình Tuyến |
Công ty TNHH IDS ở Tân Phú có 23 ca. Bệnh nhân 6787 lây nhiễm cho 9 ca F1, 12 ca F2 và 1 ca F3. Bệnh nhân là nhân viên làm chung và lây lan tiếp cho người nhà.
Trường Mầm non song ngữ ở quận 12 có 20 bệnh nhân. Bệnh nhân 6427 lây nhiễm cho 10 ca F1 và 9 ca F2. Bệnh nhân là giáo viên của trường, lây sang các hộ gia đình, khu nhà trọ. Kết quả điều tra ghi nhận đã lây lan sang tỉnh Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp.
Bác sĩ Dũng cho biết, chỉ trong gần nửa tháng, TP.HCM đã phát hiện 3 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, và phát hiện cả 2 biến chủng lần đầu xuất hiện tại thành phố là biến chủng Anh và biến chủng Ấn Độ.
Riêng chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng có mức độ lây lan mạnh do các đặc thù sinh hoạt và điều kiện làm việc của các F0, F1, F2.
Đáng lưu ý, sự xuất hiện các chuỗi mới xuất phát từ một bệnh nhân trong nhóm truyền giáo được ghi nhận tại các tòa nhà văn phòng với tỷ lệ lây nhiễm rất cao như tại Công ty Thiên Phú FN. Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đã làm cho chuỗi lây nhiễm này phát triển diện rộng theo sự di chuyển của các bệnh nhân.
Theo bác sĩ Dũng, thành phố có thể xuất hiện những ca bệnh không rõ nguồn gốc trong cộng đồng do dịch bệnh đã âm thầm lây lan. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan, luôn tuân thủ các biện pháp phòng dịch bệnh theo quy tắc 5k của Bộ Y tế.
Người dân cũng không nên hoang mang, lo lắng mà theo dõi và thực hiện theo đúng quyết định của chính quyền, khuyến cáo của ngành y tế.
Đối với các cơ quan đơn vị cần nâng cao khả năng phòng thủ, tổ chức làm việc, sản xuất an toàn, không để virus có cơ hội lây lan tại đơn vị.
"Hiện ngành y tế thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh", bác sĩ Dũng nói.
Tú Anh
'Ổ dịch Hội thánh nguy hiểm, lây theo cấp số nhân, TP.HCM cần quyết liệt hơn'
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch ở TP.HCM có thể trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm và việc lây nhiễm này diễn ra theo cấp số nhân, cực kỳ nguy hiểm.