Tôi nghe nhiều người nói, với đàn ông, thiếu kẽm ngoài ảnh hưởng tới chức năng sinh lý còn gây nhiều bệnh khác như rụng tóc, khô da, dễ gãy móng... Điều đó có đúng không, thưa bác sĩ? Làm sao để biết cơ thể thiếu hay đủ kẽm? (Minh Nhâm, Hà Nội).
Tiến sĩ Trần Khánh Vân, Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, tư vấn:
Kẽm đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Kẽm tham gia vào quá trình sinh tổng hợp và điều hòa chức năng của trục hormone dưới đồi như GH (Growth hormone), IGF-I là những hormone tăng trưởng và kích thích tăng trưởng.
Bên cạnh đó, kẽm còn giúp duy trì và bảo vệ các tế bào vị giác và khứu giác. Thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn do rối loạn vị giác. Trẻ em biếng ăn sẽ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển.
Kẽm còn giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành...
Do yếu tố nguồn lực, hiện Việt Nam chỉ có nghiên cứu, đánh giá tình trạng thiếu kẽm trên phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em - những đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu kẽm. Kết quả cho thấy tỷ lệ rất lớn, đơn cử vẫn còn 58% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu kẽm; cứ 10 phụ nữ mang thai, có đến 8 người thiếu kẽm...
Trong gia đình có bà mẹ mang thai và trẻ bị thiếu kẽm thì không khó hiểu xác suất đàn ông cũng gặp tình trạng này. Thiếu kẽm ảnh hưởng lớn tới trẻ em tuổi dậy thì, vị thành niên, vì kẽm đóng góp vai trò lớn trong quá trình tăng trưởng.
Y văn không có bệnh thiếu kẽm. Nhiều người có dấu hiệu như da khô, dễ viêm da, móng dễ gãy, rụng tóc, mắt kém, dễ nổi mụn, hay bị các bệnh nhiễm khuẩn..., với đàn ông trưởng thành thì có thêm rối loạn chức năng sinh lý, thường cho kết quả xét nghiệm là thiếu kẽm. Nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu của việc thiếu các vi chất dinh dưỡng và bệnh thực thể khác nữa.
Ví dụ khi trẻ em hay người lớn bị khô da, viêm da, thường bị nhầm với các bệnh lý da liễu, đi khám và uống, bôi các loại thuốc da liễu. Rất ít bác sĩ nghĩ đến việc kiểm tra xem bệnh nhân có thiếu kẽm hay vi chất dinh dưỡng hay không.
Nhu cầu vi chất dinh dưỡng, kể cả kẽm, là hằng ngày. Vì thế, nếu có điều kiện, mỗi người cần chủ động lựa chọn thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng giàu kẽm như hải sản, thịt đỏ, chứa sắt, kẽm, i-ốt… có giá trị sinh học cao.
Không có thực phẩm tốt hay xấu, các loại thực phẩm trên cần được ăn điều hòa, ví dụ nếu ăn nhiều thịt quá thì sẽ gây ra các hậu quả khác. Bữa ăn cần đa dạng, đủ chất.
Để biết cơ thể có thiếu kẽm hay không rất đơn giản, chỉ cần thông qua xét nghiệm máu, huyết thanh, có thể đánh giá thêm dự trữ kẽm trong một số cơ quan cơ thể như tóc.