Khi ông John Kerry có chuyến công du đầu tiên tới Đông Nam Á cuối tuần này trong cương vị ngoại trưởng Mỹ, ông sẽ dễ dàng hơn để thuyết phục các đồng minh rằng: sự chuyển đổi quân sự Mỹ tới khu vực là bền vững.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: AP |
Kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi. Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Ben S. Bernanke tuyên bố, trong tháng này, ngân hàng trung ương có thể giảm nỗ lực kích cầu của năm nay, khiến đồng đô la tăng giá so với các đồng tiền châu Á. Về phía mình, ông Kerry sẽ tới thăm Brunei từ 30/6-2/7 để tham dự một diễn đàn an ninh khu vực với hơn 20 người đồng cấp khác tới từ nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản.
“Có một số hoài nghi trong khu vực về khả năng tài chính vững mạnh của Mỹ", Ian Storey, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói. “Sự hoài nghi ấy có lẽ là sai lầm khi nền kinh tế Mỹ đang dần hồi phục".
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tìm cách minh chứng mạnh mẽ rằng, nước này có thể chuyển đổi các tài nguyên về khu vực một cách bền vững và ổn định cho dù phải đối mặt với yêu cầu cắt giảm ngân sách. Những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, tham vọng hạt nhân Triều Tiên và số phận người tiết lộ bí mật Edward Snowden đã làm căng thẳng leo thang trong khu vực. Bắc Kinh cũng lo lắng về sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ ở châu Á khi coi đây là nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Brunei sẽ là điểm dừng chân cuối
cùng của ông Kerry trong cuộc hành trình gồm có Ấn Độ, Israel và Ảrập Xêút.
Trong chuyến công du cuối cùng tới châu Á ở cương vị ngoại trưởng, tháng 11 năm trước, người tiền nhiệm của ông, bà Hillary Clinton đã nỗ lực trấn an những lo ngại về vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nhắc lại thông điệp của bà trong chuyến công du Singapore hồi đầu tháng. “Đúng là Bộ Quốc phòng có ít nguồn lực hơn nhưng sẽ là thiển cận khi kết luận rằng, cam kết tái cân bằng của chúng tôi là không thể bền vững".
Các đồng minh của Mỹ ở châu Á bao gồm Nhật Bản và Philippines đã phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc tăng cường tuần tra ở các vùng biển tranh chấp. Chiến lược tái cân bằng quân sự của Mỹ đồng nghĩa với việc 60% tài sản hải quân sẽ chuyển tới Thái Bình Dương vào năm 2020, thay vì 50% hiện tại.
Ngoại trưởng các nước ASEAN và đối tác đối thoại sẽ có cuộc họp cuối tuần này. ASEAN nỗ lực đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Mỹ thì tuyên bố có lợi ích trong duy trì tự do hàng hải ở vùng biển này. Hôm qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lớn tiếng cảnh báo rằng: "Nếu các nước trông chờ vào lực lượng bên ngoài trong tuyên bố chủ quyền, điều đó sẽ là vô ích, sẽ chứng minh tính toán chiến lược sai lầm".
Ngoài ra, căng thẳng Mỹ - Trung còn thêm gia tăng sau khi kẻ tiết lộ bí mật Snowden rời Hong Kong tới Nga ngày 23/6 kể cả khi Mỹ đã phát lệnh bắt giữ. Tuần này, ông Kerry cảnh báo Trung Quốc và Nga chịu "hậu quả" về hành động của họ. Ông Kerry dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Nga tại Brunei để thảo luận về vấn đề Syria. Ông cũng sẽ có cuộc gặp ba bên với các ngoại trưởng từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thái An (theo Bloomberg)