Vấn đề Biển Đông là một trong những nội dung thảo luận hàng đầu trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tới ba nước Đông Nam Á: Indonesia, Brunei và Malaysia từ 9 đến 13/8.

Chinadaily đưa tin cho hay ông Dương Khiết Trì thăm ba nước ASEAN theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao các nước trên. Theo đó, vấn đề Biển Đông sẽ là một trong những nội dung thảo luận hàng đầu, dù chuyến thăm nhằm vào việc xây dựng quan hệ song phương tốt hơn giữa Trung Quốc với ba quốc gia này.

Ngoại trưởng Trung Quốc và Indonesia sau cuộc hội đàm tại Jarkarta ngày 10/8. Ảnh: Reuters

Tại Indonesia, Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ cùng Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa đồng chủ trì hội nghị lần thứ hai Ủy ban hợp tác song phương liên Chính phủ Trung Quốc - Indonesia.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Ngoại trưởng Dương Khiết Trì sẽ tìm kiếm hiểu biết từ các quốc gia về vấn đề chủ quyền (liên quan vấn đề Biển Đông), trong đó có Indonesia - nước đóng vai trò trung gian hàng đầu với thảo luận bên trong với các nước ASEAN về vấn đề này.

"Theo quan điểm của tôi, chuyến thăm Indonesia có mục tiêu hướng vào quan hệ song phương hơn," ông Yang Baoyun, một chuyên gia về nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông cho biết Bắc Kinh công nhận những nỗ lực hòa giải của Indonesia về vấn đề Biển Đông.Indonesia đã đóng một vai trò trung gian tích cực trong vấn đề Biển Đông sau khi hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phnompenh vừa qua kết thúc mà không đạt được một tuyên bố chung, vì không đạt được thống nhất về một đoạn liên quan tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong tuyên bố này.

Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa sau đó bắt tay vào một chuyến ngoại giao con thoi 36 giờ đồng hồ đến Philippines, Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Singapore và đạt được kết quả là bản Tuyên bố chung của ASEAN với 6 điểm về vấn đề Biển Đông. 

Song hôm thứ tư, ôngy Natalegawa cảnh báo về nguy cơ căng thẳng hơn nữa trong vấn đề Biển Đông nếu các bên không sớm đạt được một phương pháp tiếp cận chung, với điều ông đề cập đó chính là Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm làm giảm căng thẳng giữa các bên. Ông nói ông hy vọng sẽ nêu bật trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Dương Khiết Trì vấn đề này.

Trong khi đó, chuyên gia Yang Baoyun của Đại học Bắc Kinh cho rằng điểm mấu chốt để đạt được sự đồng thuận trong bất kỳ quy tắc ứng xử nào đó là bản đề xuất không thể thách thức chủ quyền của Trung Quốc.

Chuyên gia này cho rằng sự khác biệt về vấn đề Biển Đông giữa các nước ASEAN đã trở nên sâu sắc và giờ đây chi phối, ảnh hưởng đến quan hệ của các nước này với Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm ba nước Đông Nam Á lần này của Ngoại trưởng Trung Quốc, ngoài mục đích tăng cường quan hệ song phương với 3 nước này, còn nhằm đối phó với chính sách của Mỹ về vấn đề biển Đông, trong bối cảnh Mỹ đang có những tuyên bố và động thái can thiệp mạnh mẽ vào vấn đề này.

  • L.Thư