- Bị "đóng đinh" với những vai hài, đặc biệt là nhân vật Ngọc Hoàng trong các chương trình "Gặp nhau cuối năm", Quốc Khánh khiến nhiều người nghi ngại khi vào vai Trương Ba trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt".

Được chọn vào vai Trương Ba vào phút chót

 {keywords}

Nhà hát kịch Việt Nam vừa phục dựng lại vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt để tham dự Liên hoan các vở kịch của Lưu Quang Vũ diễn ra từ nay tới 16/9.

Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của tác giả Lưu Quang Vũ. Kịch bản được tác giả sáng tác vào năm 1983 dựa trên câu chuyện dân gian cùng tên. Câu chuyện kể về một người đánh cờ rất giỏi tên là Trương Ba. Vì một nhầm lẫn của Nam Tào mà Trương Ba phải chết sớm.

Thương tình với cảnh ngộ của Trương Ba, Đế Thích - một tiên ông rất mê cờ và cũng là người thường xuyên đánh cờ với Trương Ba đã cho ông sống lại trong thân xác của một người hàng thịt. Cũng từ đây, cuộc đối thoại giữa “hồn” và “xác,” những mâu thuẫn, rắc rối và đổ vỡ… bắt đầu nảy sinh trong cuộc sống vay mượn này.

Buổi tổng duyệt đầu tiên khiến người xem háo hức bởi trước đó, vở diễn đã đóng đinh tên tuổi của cố NSND Trọng Khôi với vai Trương Ba. Ban đầu vai này dự định giao cho nghệ sĩ Anh Dũng nhưng phút chót người đảm nhiệm lại là Quốc Khánh.

Đã có nhiều e ngại khi nghệ sĩ Quốc Khánh, người thường xuyên tham gia vào các vở hài kịch và cũng đóng đinh với vai Ngọc Hoàng trong chương trình Gặp nhau cuối năm đảm nhận vai Trương Ba.

Với một hình hài không “xôi thịt”, với chất hài thấm đẫm ngay từ khuôn mặt của Quốc Khánh, liệu anh có tròn vai Trương Ba và anh hàng thịt? Nhưng sau buổi diễn, người xem phải thừa nhận rằng Quốc Khánh cũng khá thành công với vai diễn của mình, đặc biệt là trường đoạn đối thoại giữa hồn và xác (Quốc Khánh và Trung Anh).

Cách mà NSƯT Tú Mai dàn dựng và cảnh vợ anh hàng thịt cùng 2 người lái buôn khóc thương anh hàng thịt đột ngột qua đời cũng khiến người xem hài lòng. Khán giả đã cười ra nước mắt, trong bi có hài khiến không khí vở diễn không nặng nề. Toàn bộ dàn diễn viên vở kịch diễn tốt, tròn vai.

Tiếc cho một vở kịch hay

{keywords}

Duy chỉ có một điều khiến người xem không hài lòng, đôi khi còn cảm thấy ức chế vì sự nghèo nàn, thô sơ trong công nghệ của một nhà hát – "anh cả đỏ" của sân khấu Việt Nam. Nếu so sánh với sân khấu các nước tiên tiến trên thế giới, sân khấu của các rạp hát Việt Nam hiện nay quả là cũ kỹ, nghèo nàn, đơn điệu và lạc hậu về mọi phương diện kỹ thuật, từ ánh sáng, âm thanh đến công tác hậu đài, chuyển cảnh.

Cảnh tiên cờ Đế Thích cưỡi mây về trời bằng xe mây được “chế” thô sơ, xấu xí, nghệ sĩ Phú Đôn (vai Đế Thích) di chuyển khó khăn. Đó là chưa kể mỗi khi lấy chân đạp xuống sàn để xe di chuyển, âm thanh phát ra quẹt quẹt rất khó chịu. Các cảnh lên trời, xuống hạ giới cũng vẫn chỉ là phẩy quạt, phẩy ống tay áo và... tắt đèn.

Phương tiện hỗ trợ kỹ thuật của nhà hát cũ kỹ tới mức, mỗi lần chuyển cảnh hay phun khói vào sân khấu, trong lúc đoạn diễn khiến người xem lắng lại, suy nghĩ và xúc cảm thì tiếng “phành phạch” của máy phun khói phá vỡ không gian tĩnh lặng đó. Khán phòng quá nhỏ, chỉ đủ 100 chỗ ngồi càng khiến những “lục đục” trong cánh gà mỗi lần chuyển cảnh lộ rõ.

“Vở diễn hay, thông điệp thật sâu sắc, diễn viên diễn khá tốt, giá mà vở diễn được diễn ở khán phòng lớn thì thật trọn vẹn”, nhiều khán giả đã nói như thế khi kết thúc buổi tổng duyệt.

Tình Lê