Ba ngày không thấy bà về, con cháu lên núi tìm thì gặp bà bị “nhốt” trên đỉnh Gia Long.
Như đã nói ở kỳ trước, ngôi đền thờ vua Hoàng Vần Thùng nằm gần đỉnh Lủng Cẩu (Bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang), khá sơ sài, nhưng không ai dám vào.
Người La Chí khẳng định rằng, nơi xây cất ngôi nhà thờ này chính là nơi vua Hoàng Vần Thùng chết. Còn ông chết năm nào thì không ai rõ, bởi người La Chí không có chữ viết, nên không ghi lại được.
Các cụ già cũng chỉ nghe kể lại rằng, thời kỳ trị vì của ông cách ngày nay chừng 400 đến 500 năm (?!).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy, người đã có thời gian nghiên cứu về văn hóa La Chí khẳng định rằng trong một tài liệu nghiên cứu, người La Chí định cư ở vùng đất này rất lâu rồi. Ngay cả người Cờ Lao và người Nùng, di cư đến vùng Hoàng Su Phì cách nay 170 năm đã thấy người La Chí định cư ở vùng đất này.
Bản Lủng Cẩu, nơi có đền thờ, miếu thờ vua La Chí. |
Thậm chí, một số dòng họ người Nùng khi di cư đến vùng La Chí đã bị văn hóa của người La Chí đồng hóa, giờ họ thành người La Chí, mang họ Vương.
Nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp Anbadie, trong cuốn “Các chủng tộc ở vùng cao Bắc kỳ từ Phong Thổ đến Lạng Sơn”, viết năm 1924, khẳng định: “Người La Chí là cư dân bản địa, thổ dân ở vùng Hoàng Su Phì và Xín Mần đã từ mấy ngàn năm nay…”.
Ngoài ngôi nhà thờ ở gần đỉnh Lủng Cẩu, nơi diễn ra lễ cúng vua Hoàng Vần Thùng 15 năm một lần, thì còn một nơi nữa thờ tự ông, đó là ngôi miếu nằm tít trên đỉnh Lủng Cẩu. Nơi đó, theo truyền thuyết, ông từng có một thời gian dưỡng bệnh, dưới sự chăm sóc của người vợ thứ hai trước khi chết.
Chúng tôi tiếp tục cuốc bộ lên đỉnh Lủng Cẩu. Toàn bộ núi Lủng Cẩu là một khu rừng nguyên sinh rộng mênh mông, mà trong đó, chủ yếu có 2 thứ cây, gồm đa và một loài cây dây leo, mà theo cư dân nơi đây là loại thuốc cường dương cực quý.
Đỉnh Lủng Cẩu. |
Ông Hoàng Dìu Phù, cụ già người La Chí kể rằng, xưa kia, đỉnh Lủng Cẩu là nơi ở của vua Hoàng Vần Thùng. Ông đã cho quân đốt hết rừng, biến cả ngọn núi này thành vườn cây, mà toàn là đa, cùng với loài dây leo là một vị thuốc quý, để ông bồi bổ sức khỏe, chiều chuộng các bà vợ.
Tôi thực sự ngỡ ngàng khi khu rừng rộng cả trăm héc-ta trên độ cao tới 2.000m này lại lắm đa đến vậy. Những cây đa to dăm bảy người ôm mới xuể, tán lá lòa xòa rộng mênh mông, che kín cả một vạt núi.
Có những cây mà hõm, hốc của nó đủ để vừa một cái ô tô. Thân những cây đa này chằng chịt loài dây leo, mỗi dây của nó to bằng bắp đùi. Có những dây leo dài đến nỗi, chúng tôi bám đi theo đến chồn chân mỏi gối mới thấy ngọn nó quấn quýt trên tán cây đa khổng lồ.
Đồng bào La Chí ở xã Bản Phùng rất sợ những cây đa này. Họ tin rằng, thần linh và vua Hoàng Vần Thùng ngự ở trên các cây đa để bảo hộ cho cuộc sống đồng bào, do đó, phải tôn trọng nơi ở của thần linh.
Rất nhiều cây đa khổng lồ trên núi Lủng Cẩu. |
Nguyên Chủ tịch xã Bản Phùng, ông Vương Đức Sinh, để chai rượu dưới gốc cây đa, chắp tay khấn vái, nội dung lời khấn là xin vua Hoàng Vần Thùng và các thần linh cho thuốc về chữa bệnh.
Khấn vái xong, ông vác dao chặt một đoạn cây dây leo to bằng bắp chân. Mỗi lần bổ dao vào, “máu” từ thân dây leo lại tứa ra, phụt thành tia. Chặt đứt thân dây, chất dịch đỏ như máu lẫn bọt khí chảy ròng ròng thành vũng dưới đất.
Theo ông Sinh, thứ cây này đem xao vàng, ngâm rượu uống rất bổ máu. Ông biết nó là vì một lần sang Trung Quốc, thấy các thầy thuốc bên đó thu mua để chế thuốc bổ dương, tăng cường sức khỏe.
Cuốc bộ một lát trong rừng đa thì ngôi miếu thờ vua Hoàng Vần Thùng xuất hiện dưới tán một cây đa khổng lồ. Ngôi miếu cực kỳ đơn sơ và trông cảnh quan xung quanh nó thì có lẽ đến cả chục năm nay không có người vào.
Loài dây leo bổ máu rất nhiều ở Lủng Cẩu. |
Miếu thờ vua Hoàng Vần Thùng trên đỉnh Lủng Cẩu. |
Ngôi miếu được dựng bởi mấy cái cột gỗ, tường liếp đan bằng vầu và lợp Phibờrô-ximăng. Theo ông Phù, trước đây ngôi miếu lợp bằng gỗ pơmu, nhưng đợt cúng vua cách nay 10 năm, dân bản “hiện đại hóa” cho ngôi miếu bằng cách ra tận trung tâm huyện mua rồi vác mấy tấm Phibờrô-ximăng về lợp.
Ngôi miếu khá nhỏ, giữa rừng hoang, nhưng không ai dám mở cửa vào. Tôi đề xuất được vào miếu, nhưng mọi người đều phản đối.
Theo họ, chỉ có thầy cúng, trong lễ cúng vua Hoàng Vần Thùng, cùng thần rắn, 15 năm tổ chức một lần, dân bản mới dám mở cửa ngôi miếu thiêng huyền bí này.
Theo lời kể của ông Sinh, bên trong ngôi miếu chỉ có một pho tượng vua cùng mấy bát hương. Không vào được miếu, chúng tôi đành chụp vài tấm hình, rồi xuống núi.
Đỉnh Gia Long lúc nào cũng chìm trong mây mù. |
Đứng trên đỉnh Lủng Cẩu, phóng tầm mắt về phía Tây, trông rõ đỉnh Gia Long lẫn trong mây mù. Đỉnh Gia Long nằm ở vùng giáp ranh giữa 3 xã là Bản Phùng (Hoàng Su Phì), Bán Díu và Nàn Xỉn (Xín Mần). Đây cũng là những xã có nhiều người La Chí nhất.
Theo các thầy cô giáo cắm bản Lủng Cẩu, dù khắp nơi trời quang, nắng đẹp, đỉnh Gia Long vẫn có một đám mây trắng đục quấn lấy. Mây quanh năm phủ kín đỉnh Gia Long cao vòi vọi.
Trên đỉnh núi đó, theo truyền thuyết, từng có dinh thự của vua Hoàng Vần Thùng. Đặc biệt, trên đó, có một ngôi mộ khổng lồ, được tin là chôn xác vua Hoàng Vần Thùng cùng toàn bộ kho báu của ông.
Theo các cán bộ xã, những di tích của dinh thự đó vẫn còn, gồm dấu vết thành quách, nền dinh thự, vườn cây, ao cá.
Hỏi tất cả những người La Chí ở đây, ai cũng khẳng định trên đỉnh núi Gia Long đó có dinh thự của vua. Cũng chính vì thế, người La Chí ở Hoàng Su Phì và Xín Mần đều gọi ngọn núi đó theo tên của vua, tức là núi Gia Long, trong khi sử sách, dư địa chí, kể cả bản đồ hành chính không có tên ngọn núi này.
Trên đỉnh Gia Long, có một khu đất rộng, bằng phẳng. Điều đặc biệt là có một vườn cây cổ thụ, cam quýt quanh năm ra quả trĩu trịt. Nhiều cây chè cổ thụ rêu mốc, tuổi đã vài trăm năm.
Người La Chí ở đây tin rằng, bất kỳ ai cũng có thể vào khu dinh thự của vua Gia Long và có thể ăn hoa quả, sản vật thoải mái, tuy nhiên, nếu ai tham lam mang về thì sẽ không thể về được.
Chuyện lạ này được chính miệng nguyên Chủ tịch xã Vương Đức Sinh kể và sau đó tôi lại được Bí thư xã Bản Díu (Xín Mần) Nông Quang Phong và Chủ tịch xã Lù Thanh Phong xác nhận.
Chuyện rằng, 10 năm trước, bà Lùng Thị Sỏng lên núi Gia Long lấy rễ cây lá đỏ bán cho người Trung Quốc mua về làm thuốc. Rễ của loài cây này rất đắt. Hồi đó có giá 50 ngàn đồng/lạng. Giống cây này lại chỉ có nhiều ở khu dinh thự của vua Gia Long.
Bà Sỏng đã liều lĩnh vào khu vực đó đào loại rễ cây này, rồi hái về rất nhiều hoa quả trong vườn. Tuy nhiên, khi xuống núi, bà Sỏng không thể đi được. Dường như có một lực nào đó cứ kéo bà lại.
3 ngày không thấy bà về, con cháu lên núi tìm thì gặp bà bị “nhốt” trên đỉnh Gia Long. Gia đình phải mổ trâu, lợn, sắm lễ đội lên tận đỉnh Gia Long, rồi thầy cúng làm lễ suốt một ngày, bà Sỏng mới về được. Bà Sỏng ở bản Ngam Lin. Bà đã chết mấy năm trước vì bệnh.
Tôi đã tìm nhiều cách để lên đỉnh núi Gia Long từ hướng xã Bản Díu của huyện Xín Mần, muốn tận mắt phế tích dinh thự vua La Chí, tuy nhiên, các cán bộ xã đều lắc đầu, người bảo không thể đi nổi vào mùa mưa, người bảo sợ lên đó lạc đường như bà Sỏng.
Hơn chục năm nay, sau sự kiện bà Sỏng bị vua “nhốt” trên đỉnh núi, không ai còn dám lên đỉnh núi đó nữa.
(Theo VTC News)