Xem video:

Mộ cổ nằm giữa ngã ba

Trời mưa xối xả. Nước mưa cuốn theo cát, rác thải trôi về miệng cống rồi bị kẹt lại bởi tấm bia mộ bằng đá hoa cương nằm ngay ngã ba hẻm thuộc phường 16, Quận 11, TP.HCM.

Thấy vậy, một người dân sinh sống trong hẻm nhanh chóng đến khơi dòng, gỡ hết rác thải khỏi tấm bia mộ, cắm lại những chân nhang ngã đổ. Đây là ngôi mộ đặc biệt ở TP.HCM khi nằm ngay miệng cống thoát nước thải và trơ trọi giữa ngã ba đường.

Người dân sinh sống xung quanh cho biết, ngôi mộ đã nằm ở vị trí này từ rất lâu, tuổi đời phải hơn 100 năm. Bà Nguyễn Thị Giàu (64 tuổi, phường 16) cho biết, từ khi sinh ra, bà đã thấy ngôi mộ này trước nhà.

Ngôi mộ cổ nằm trơ trọi giữa ngã ba đường hẻm.

Những năm tuổi thơ, bà thường cùng chúng bạn đến ngồi nghỉ bên những tảng đá xanh quanh mộ. “Chúng tôi chơi trốn tìm bên những ngôi mộ. Thậm chí, có đứa lớn gan còn leo lên, ngồi trên bia mộ. Sau này lớn lên, có hiểu biết, chúng tôi mới không leo trèo lên mộ nữa”, bà Giàu nói.

Cùng nhận định, ông Phan Minh Tâm, Phó Ban điều hành khu phố 3 (phường 16) nói, mộ có từ trước khi miền Nam giải phóng. Trước đây, mộ khá cao so với mặt đất, bia mộ bằng đá được dựng ngay ngắn, cao khoảng 1,5m.

Sau này, theo thời gian, mộ dần bị mưa gió san phẳng. “Đến khi địa phương tiến hành đào đường, đặt ống cống thoát nước, mộ được cải táng, đem đi nơi khác. Hiện, vị trí ngôi mộ chỉ còn lại tấm bia bằng đá. Tuy vậy, do nâng đường, tấm bia cũng bị chôn vùi 1 nửa”, ông Tâm chia sẻ.

Ông Tâm chỉ vị trí bia mộ rơi xuống trong quá trình đào cống thoát nước.

Mộ bia được làm bằng đá hoa cương cứng chắc. Mặt trước, bia có khắc nhiều chữ Hán. Phần trên, bia được khắc nổi hoa văn trang trí tinh xảo. Mặc dù đã có sự tác động của thời gian, những Hán tự được khắc trên bia mộ vẫn có thể nhìn thấy rõ.

Hàng ngang bên trên bia khắc 2 chữ Đại Nam. Đây là Quốc hiệu của nước ta từ năm 1806-8/1945. Cột bên phải theo hướng nhìn người đọc khắc: Mậu Tuất niên (tạm dịch là năm Mậu Tuất). Cột giữa khắc: Bá phụ húy… (tạm dịch: Bia mộ của người bác ruột tên…)

Phía dưới cột chữ này có thể còn thêm tên của người đã khuất. Tuy nhiên, đoạn này đã bị chôn lấp bởi hương án đơn sơ do người dân địa phương tự xây bằng bê tông. Thế nên, đến bây giờ, hầu như không ai biết tên tuổi của chủ nhân ngôi mộ.

Ngôi mộ đã được cải táng, chỉ còn lại bia mộ được dựng đúng vị trí cũ.

Không dám di dời

Dựa vào Quốc hiệu Đại Nam và dòng chữ Mậu Tuất niên, có thể suy đoán, ngôi mộ có từ năm 1898. Đến nay, mộ đã hơn 120 năm tuổi. Cho đến khi được người dân phát hiện, bảo quản, ngôi mộ vẫn nằm trơ trọi giữa ngã ba hẻm.

Ông Tâm cho biết: “Trước đây, khi làm đường, đặt ống cống thoát nước, cơ quan chức năng có họp bàn người dân để lấy ý kiến việc di dời bia mộ. Tuy nhiên, người dân sinh sống xung quanh mộ không đồng ý”.

Trong khi đó, bà Giàu lại cho rằng, mộ cổ rất thiêng. Thời điểm cơ quan chức năng đào đường làm cống đã nhổ bia mộ lên. Lúc nhổ lên, bia mộ còn rơi xuống hố ga ống cống.

Bia mộ được làm bằng đá cứng chắc, mặt trước có trang trí hoa văn, khắc chữ Hán.

Tuy nhiên sau đó, người trực tiếp lấy bia mộ tự nhiên đau bệnh. Thêm vào việc người dân mong muốn bia mộ được trả về chỗ cũ nên chính quyền địa phương chấp nhận, không di dời mộ bia nữa.

Từ đó đến nay, mộ bia được cắm sát mép miệng ống cống, nằm ở ngã ba đường hẻm. Để người dân không va phải bia mộ khi di chuyển trong hẻm vào ban đêm, chính quyền địa phương cho lắp đèn chiếu sáng ngay bên trên bia mộ.

Bà Sáu kể: “Người dân ở đây có niềm tin tâm linh vào ngôi mộ cổ này. Trước đây, bà con truyền tai nhau câu chuyện, chủ nhà ở gần mộ muốn bán căn nhà để sang nước ngoài định cư. Chẳng hiểu thế nào, họ rao bán mãi mà không được”.

Ngoài ra, khu vực này còn có một số ngôi mộ có vị trí hết sức đặc biệt khác.

“Sau đó, họ đem nhang đèn, hoa quả ra chỗ mộ bia van vái, cầu xin. Ít lâu sau, họ bán được căn nhà một cách dễ dàng. Bán xong nhà, họ còn cúng tạ lễ nữa. Hiện nay, dù mộ đã được cải táng, chỉ còn lại tấm bia bằng đá nhưng chúng tôi vẫn nhang khói, cúng kiếng hàng ngày”, bà nói thêm.

Ngoài ngôi mộ nằm giữa ngã 3 trên, đoạn hẻm này còn có một số ngôi mộ khác ở những vị trí hết sức đặc biệt. Có ngôi mộ nằm sát tường nhà, có ngôi bia mộ trở thành một phần của tường nhà người dân, có mộ phần gần như không còn dấu vết chỉ còn lại một lỗ nhỏ để cắm chân nhang.

Tuy vậy, người dân địa phương rất chú trọng việc bảo quản, chăm sóc các mộ phần này. Đặc biệt, ngôi mộ độc đáo nằm giữa đường được người dân nhang khói hàng ngày. Vì không có thân nhân đến chăm sóc, người dân tự động sử dụng vữa, xi măng, gạch ống làm chỗ thắp hương cho người quá cố.

Người dân địa phương cho biết, họ có niềm tin tâm linh vào ngôi mộ cổ.

Ông Tâm nói: “Trong năm, vào ngày mùng 2 và 16 hàng tháng, người dân xung quanh mộ đều đem hoa quả, đồ mặn đến cúng cho người đã khuất. Hàng ngày, mọi người tự động thay phiên nhau nhang khói cho các ngôi mộ”.

“Người dân ở đây đã quá quen với sự hiện diện của các ngôi mộ, đặc biệt là ngôi mộ nằm giữa ngã ba đường. Thế nên họ không thấy phiền, không thấy ngôi mộ nằm giữa đường gây cản trở, khó khăn trong việc lưu thông”, ông nói thêm.

Bài, ảnh, clip: Hà Nguyễn