- 149 phố Henri d’Orléans là ngôi nhà hạnh phúc của anh chị Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Thị Quang Thái. Hai anh chị đều hoạt động cách mạng. Anh Giáp tham gia Ủy ban vận động cách mạng nửa công khai của Đảng. Chị Thái tham gia công tác vận động phụ nữ.

VietNamNet trân trọng giới thiệu trích đoạn tiếp theo của cuốn sách "Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thời trẻ":

Từ cuối năm 1935, anh Giáp đã đón chị Thái ra Hà Nội. Hai vợ chồng lúc đầu thuê nhà số 106 Hàng Bông Thợ Nhuộm, sau chuyển sang số 26 Nam Ngư, cuối cùng chuyển về số nhà 149 phố Henri d’Orléans (nay là phố Phùng Hưng).

Đây là một căn gác hai tầng ở gần nhà hộ sinh Con Rồng của bà đỡ Tụy Phương, học trò của anh Đặng Thai Mai và là bạn của Thái - Giáp. Hai vợ chồng thuê tầng gác có hai phòng.

Phía trước có bao lớn trông ra đường phố. Bên kia phố có đường xe lửa chạy qua ven đường. Bên trong đường xe lửa là Thành cổ Hà Nội có lính Pháp đóng. Sáng sớm nghe trại lính thổi kèn “la vầy” (kèn báo thức).

Phòng ngoài kê giường, tủ sách, bàn làm việc là phòng riêng của anh chị. Phòng trong là phòng ăn và nơi tiếp khách. Hai em trai của anh chị là Du và Nho ra Hà Nội học ở đấy cùng với một chú nhỏ giúp việc tên là Ngãi quê ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.

{keywords}

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cháu nội tại quê nhà Lệ Thủy - Quảng Bình. Ảnh tư liệu

149 phố Henri d’Orléans là ngôi nhà hạnh phúc của anh chị Giáp - Thái. Hai anh chị đều hoạt động cách mạng. Anh Giáp tham gia Ủy ban vận động cách mạng nửa công khai của Đảng. Chị Thái tham gia công tác vận động phụ nữ.

Hai anh chị đều ham học. Tủ sách của hai người đầy các loại sách, có các loại sách của anh Giáp dùng để dạy học, có nhiều sách chính trị.

Từ khi Chính phủ phái tả Léon Blum lên cầm quyền ở Pháp, sách báo của Đảng Cộng sản Pháp và Nhà Xuất bản Xã hội quốc tế được nhập vào Đông Dương dễ dàng hơn, bày bán công khai ở nhiều hiệu sách ở Sài Gòn và Hà Nội.

Ở Hà Nội là hiệu sách Đồng Xuân do anh Phạm Văn Huệ làm chủ hiệu, chuyên phát hành sách báo cách mạng, hai vợ chồng Thái - Giáp thường xuyên đến mua ở đấy.

Hai vợ chồng chăm học ngoại ngữ: học tiếng Trung và tiếng Thái Lan, với ý định chuẩn bị cho một ngày nào đó sẽ xin với tổ chức cho ra hoạt động ở hải ngoại, mong tìm gặp chị Minh Khai.

Với ý định kiên quyết ấy, hai anh chị tránh có con sớm. Lễ cưới từ cuối năm 1935, đến 1939 anh chị mới sinh con gái đầu lòng đặt tên là Hồng Anh.

Ngôi nhà Thái - Giáp là nơi hội họp của Ủy ban vận động cách mạng nửa công khai của Đảng.

Một hôm, anh Nguyễn Văn Cừ đến. Lúc đó, anh Cừ là Tổng bí thư của Đảng, được bầu ở hội nghị Trung ương tháng 3 năm 1938.

Anh Nguyễn Văn Cừ mang đến cho Quang Thái một lá thư của chị Minh Khai! Chị Minh Khai với chồng là Lê Hồng Phong đã về nước! Tin mừng này làm cho hai vợ chồng Thái - Giáp vô cùng sung sướng, mong có ngày gặp anh chị Minh Khai - Lê Hồng Phong.

Một hôm, anh Nguyễn Chí Diểu, bạn học và đồng chí của anh Giáp, thời kỳ hoạt động ở Huế trong Đảng Tân Việt, có việc ra Hà Nội đến thăm vợ chồng Thái  - Giáp. Lúc ấy, anh Nguyễn Chí Diểu đã bị bệnh lao nặng, hai lá phổi đã ruỗng, nhưng anh vẫn sôi nổi hoạt động. Anh kể về phong trào mặt trận dân chủ ở Huế.

Năm 1939, anh chị Giáp - Thái có một niềm vui mới: bé Hồng Anh ra đời. Bé Hồng Anh lớn lên từng ngày. Học trò anh Giáp đến chơi, bé nhìn hết người nọ sang người kia vẻ lạ mà hơi tinh nghịch chứ không phải gặp người lạ mà mếu máo.

Chiều chiều, chị Thái có niềm vui đưa con ra đường phố chơi. Đó là hạnh phúc lớn lao của người mẹ.

Nhưng niềm vui của chị Thái chẳng được bao lâu. Tháng 5/1940, từ căn nhà này, anh Giáp ra đi hoạt động cách mạng biền biệt.

Phạm Hồng Cư

Bài 4: Chia tay, vĩnh biệt