Trong khi nhiều trường công lập tìm cách “tống cổ” học sinh hư ra khỏi trường thì ngôi trường phổ thông nội trú này lại giang tay đón nhận họ.
Không phải trường giáo dưỡng nhưng ngôi trường này nhận về tất cả những học sinh bị cho là “hư”, từ học sinh yếu kém trong học tập đến những học sinh bị coi là cá biệt nghịch ngợm, nghiện game, dù họ đã bị nhiều ngôi trường khác “chối bỏ”!
Tìm tố chất của học sinh cá biệt
Xuất phát từ quan điểm “không có học sinh hư, chỉ có thầy giáo chưa biết cách dạy”, trường phổ thông nội trú thuộc Viện Nghiên cứu phát triển võ Việt Nam - Thể thao đón nhận cả những học sinh bị cho là chưa ngoan, hạnh kiếm yếu. Khi đến ngôi trường này, không có khái niệm học sinh “hư”, học sinh “ngoan”, mà tất cả các em đều có tố chất đặc biệt.
Thạc sĩ Phạm Quang Long, Chủ tịch Viện cho biết học sinh "cá biệt" là những học sinh có kỹ năng vận động rất tốt, thích làm thủ lĩnh, có cá tính mạnh. Khi được phát hiện, đào tạo và nuôi dưỡng những tố chất này sẽ cho chúng ta những tài năng.
Khi có môi trường và phương pháp giáo dục phù hợp, các em học sinh bị gán mác là “hư” lại nở nụ cười hiền khô thế này |
Ngoài việc học văn hóa theo chương trình của bộ, trường tổ chức tới gần 40 môn thể thao cho các em tự lựa chọn, sinh hoạt ngoại khóa, hội tụ đủ “văn – thể - mỹ”. Với những em thích thể thao, trường đào tạo chuyên sâu trở thành VĐV đi thi đấu. Còn các em không muốn đi theo con đường thể thao thì thầy cô chú trọng đào tạo văn hóa và trang bị cho các em các kỹ năng mà những người thủ lĩnh, những người lãnh đạo tương lai cần có, đó là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng biểu cảm bằng ngôn ngữ và hành động…
Ngoài học văn hóa, các em chơi thể thao để tăng cường sức khỏe. |
“Có một sự thật đáng buồn là HS phổ thông và cả sinh viên đại học của chúng ta vẫn bị nhồi nhét đủ thứ kiến thức, nhưng những kỹ năng cơ bản nhất cần phải dạy thì bị bỏ qua. Có cử nhân đại học không viết nổi lá đơn xin việc, trong giao tiếp thì thiếu tự tin, không biết cách bày tỏ ý tưởng của mình. Ở đây, chúng tôi dạy cho các em cách viết đơn xin việc, cách viết đơn xin thôi việc, thậm chí cả cách lập biên bản và viết đơn kiện. Giáo dục các em một cách toàn diện để các em có kiến thức văn hóa, thể chất khỏe mạnh, tự tin, thân thiện, khả năng giao tiếp trong cuộc sống”, ông Long nói thêm.
“Ba cùng” với học sinh
Cùng ăn, cùng ở, cùng học – chuyện tưởng chừng chỉ có ở những ngôi trường vùng cao, xa xôi hẻo lánh nhưng lại đang diễn ra ở ngôi trường cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 20km này. Tại đây, thầy cô giáo không chỉ dạy học mà còn sinh hoạt chung với các em học sinh như những người bạn.
Phương pháp “ba cùng” này giúp các thầy cô nắm được năng khiếu, sở trường của từng em, hiểu được tâm tư tình cảm của các em để có biện pháp giáo dục phù hợp.
Cũng vì dành hết thời gian cho các em học sinh mà hầu hết các thầy cô của trường vẫn chưa lập gia đình riêng. Thậm chí có thầy còn sẵn sàng giảm lương, nghỉ việc nếu không dạy được học sinh nên người.
Các thầy cô cùng ăn với học sinh. |
Thầy Thao còn dùng “miếng cơm manh áo” của mình ra bảo lãnh cho em này. Nếu em HS này còn bỏ trốn thì thầy sẽ bị trừ lương trong 3 tháng, không dạy được thì thầy xin nghỉ việc. Giờ thì đâu vào đấy rồi, lễ phép, chăm chỉ học tập rèn luyện”.
Gặp gỡ thầy Bùi Đức Thao của câu chuyện trên, thầy Thao cho biết mỗi học sinh cá biệt có một hoàn cảnh, tâm tư tình cảm riêng nên không thể áp dụng chung một phương pháp giáo dục nào. Mà người thầy phải gần gũi các em, nắm được tâm lý cũng như tật xấu của các em, hiểu được HS của mình đang nghĩ gì, đang gặp phải vấn đề gì rồi mới đưa ra phương pháp can thiệp, giáo dục phù hợp.
“Em học sinh này được đánh giá là rất bảo thủ và lỳ. Nhưng ánh mắt của em nhìn thầy còn biết sợ, chứng tỏ còn giáo dục được. Qua những lần thủ thỉ tâm sự, biểu hiện của em khi gọi điện về nhà thì biết em rất thương mẹ, thương em ở nhà. Mình mới dựa vào những điều đó để tác động, giáo dục em dần dần”, thầy Thao chia sẻ.
Thầy Thao cho rằng, học sinh hư hoàn toàn có thể giáo dục được khi thầy cô dành nhiều thời gian cho các em, thấu hiểu tâm tư tình cảm của các em để có biện pháp giáo dục phù hợp.
(Còn nữa)
La Hoàn