1. Ngọn núi nào là ‘nóc nhà’ miền Tây Nam Bộ?

  • Núi Bà Đen
  • Núi Cấm
  • Núi Dài
  • Núi Sập
Chính xác

Núi Cấm hay Thiên Cấm Sơn là ngọn núi thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Núi cao 705m, cao nhất khu vực Thất Sơn và cũng là “nóc nhà” của miền Tây Nam Bộ.

Núi cấm nổi tiếng về sự hùng vĩ và những câu chuyện huyền sử linh thiêng. Tại đây có nhiều công trình tâm linh như chùa Phật Lớn, Vạn Linh tự, động Thủy Liêm… Trên núi có tượng Phật Di Lặc, cao 33,6m, được công nhận là một trong những bức tượng Phật cao nhất châu Á.

2. Tên gọi của ngọn núi xuất phát từ đâu?

  • Phật thầy cấm tín đồ lên núi
  • Vua cấm dân lên núi
  • Dân không dám lên núi vì có nhiều rắn, hổ
  • Tất cả các ý trên
Chính xác

Núi Cấm gắn liền với nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền bí. Theo GS Nguyễn Văn Hầu, tên gọi này có thể liên quan tới việc Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên cấm tín đồ lên núi lập am thờ tự, tránh làm ô uế chốn linh thiêng.

Một giả thuyết khác cho rằng Nguyễn Phúc Ánh, tức vua Gia Long, từng bị quân Tây Sơn của hoàng đế Quang Trung đuổi đánh mà trốn vào vùng này. Để không lộ tung tích, vua sai cận thần phao tin núi có ma quỷ, dã thú, cấm dân chúng lại gần.

Ngoài ra, trên núi còn có 10 hang Ông Hổ, nhiều người tin rằng Thiên Cấm Sơn từng là nơi sinh sống của nhiều hổ dữ. Theo đó, người dân bị cấm lên núi để đảm bảo an toàn và tránh việc hổ theo về gây hại cho thôn làng.

3. Miếu Bà Chúa Xứ nổi tiếng đặt dưới chân ngọn núi nào trong vùng Thất Sơn?

  • Núi Cấm
  • Núi Nước
  • Núi Sam
  • Núi Cô Tô
Chính xác

Miếu Bà Chúa Xứ nằm ở chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Miếu thờ Chúa Xứ Thánh Mẫu, một trong những biểu tượng của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam.

Ban đầu, miếu dựng đơn so bằng tre lá, quay lưng vào vách núi. Đến 1870, miếu được xây dựng lại bằng gạch và liên tục mở rộng trong một thế kỷ. Theo sách Kỷ lục An Giang, vào thời điểm 2009, miếu Bà Chúa Xứ là ngôi miếu lớn nhất tại Việt Nam.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức vào tháng 4 âm lịch hàng năm, được công nhận là Lễ Hội cấp Quốc gia từ năm 2021.

4. Tên gọi núi Két của vùng Thất Sơn xuất phát từ đâu?

  • Vì trên núi có nhiều chim két
  • Vì ngọn núi có hình chim két
  • Vì trên đỉnh núi có hòn đá hình chim két
Chính xác

Núi Két là một ngọn núi nổi tiếng khác của vùng Thất Sơn (Bảy Núi), An Giang. Đỉnh núi cao 225m, thấp hơn khá nhiều so với Thiên Cấm Sơn. Lưng chừng núi phía Tây có một tảng đá khổng lồ nhô ra, hình dáng giống chim két (chim anh vũ) nên dân trong vùng gọi là núi Két hay Anh Vũ Sơn.

Ngoài nguồn lợi du lịch, núi còn cung cấp các tài nguyên, khoáng sản quý như quặng kim loại molypden, đá granite, thạch anh…

5. Tên của ngọn núi nào trong vùng Thất Sơn còn có nghĩa là chim phượng hoàng?

  • Núi Dài
  • Núi Nước
  • Núi Cô Tô
  • Núi Tượng
Chính xác

Núi Cô Tô còn được gọi là Phượng Hoàng Sơn do nhìn từ xa, dáng núi giống chim phượng hoàng đang sải cánh. Nhờ địa thế hiểm trở, Cô Tô trở thành cứ điểm quan trọng của quân và dân tỉnh An Giang khi chống giặc ngoại xâm.

Núi Cô Tô cao 614m, rộng 3.700m, sở hữu cấu tạo địa chất đặc biệt với hệ thống hầm ngầm vững chãi. Trong giai đoạn chống Mỹ, đồi Tức Dụp nằm ở sườn Tây núi Cô Tô là nơi đặt trụ sở ban Tuyên huấn Tỉnh ủy An Giang, cùng nhiều kho vũ khí, nơi ăn ở, trạm xá, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hàng trăm cán bộ chiến sĩ.