Để con cái mình có được khởi đầu "hanh thông" và "êm ái" nhất trong việc học, các phụ huynh đều cố gắng vận dụng tất cả các phương án, phương thức trong (và đôi khi) ngoài khả năng của mình: các diễn đàn trực tuyến, các mối quan hệ quen biết, từ người thân, bạn bè, cô giáo, hiệu trưởng và cả các cán bộ làm hộ khẩu…

 
Cô giáo hướng dẫn học sinh vào lớp 1 ngày khai giảng. Ảnh: Hoàng Hà 


Gian nan trăm bề

Trước khi mùa tuyển sinh viên vào “Đại học chữ to” (từ thường dùng để chỉ các bé vào lớp 1) bước vào giai đoạn "nước rút", các chủ đề chọn trường và cách "chạy trường" cho con lại được khuấy lên sôi nổi trên khắp các diễn đàn gia đình, trẻ em. Thông tin trường lớp, cô giáo, học phí nườm nượp đổ về. Các bậc phụ huynh phải dành ra lượng thời gian khá lớn để xử lý khối lượng thông tin đồ sộ và đi đến quyết định vô cùng quan trọng - ảnh hưởng tới cả việc chọn Đại học "chữ nhỏ" sau này của con mình. 

Chị Thu Anh, một cán bộ quản lý thị trường thở than khi năm nay, bé Bi nhà chị sẽ bước vào lớp 1: “Ôi trời, mấy năm trước thấy mấy cái topic (chủ đề) lớp 1, mình có bao giờ đọc kỹ đâu. Nhưng năm nay lo cho con, nhập cuộc với các mẹ, mình mới thấy thấm thía, hiểu được vì sao các mẹ cứ phải vào đây “buôn”. Đúng là toát cả mồ hôi hột!”.

Chị Thu Anh cho biết: Việc chọn cho con trường tốt, đúng là chẳng kém đi chữa bệnh nan y, vái tứ phương. Mới đầu tháng 2, chị “ngụp lặn” trong 3, 4 diễn đàn dành cho bé, bố mẹ và dân công sở. Nhất là webtretho, lamchame, chị và mấy người bạn đã "xới tung" đến cả trăm trang bình luận, góp ý của các thành viên.

 “Đúng là đau hết cả đầu, căng thẳng lắm! Nếu đúng tuyến, con chị sẽ học ở Cầu Giấy, nhưng là trường làng, mình không thích hội phụ huynh ở đó. Tham khảo chán chê hết diễn đàn lại đến người thân, bạn bè, người quen trên Sở Giáo dục, chị quyết định xin cho con học trái tuyến ở trường trong quận Hoàn Kiếm.”- chị Thu Anh bày tỏ.

Tuy vậy, chị Thu Anh chưa thuộc những trường hợp cầu kỳ khi chọn trường cho con. Chị Tuyết, cán bộ nhà đất ở quận Long Biên vừa trải qua một chiến dịch “săn” trường cho con khiến nhiều người không khỏi nể phục.

Ban đầu, chị định cho con học trường Quốc tế, mất mấy ngày tham khảo trên mạng, ngoài đời, chị cũng chọn được một trường nổi tiếng. Nhưng khi được hiệu trưởng trường quốc tế tư vấn về việc, gia đình phải nâng cao Tiếng Việt cho con, chị mới thất vọng khi nghĩ đến con có nguy cơ “thành người Tây giữa lòng Hà Nội” .

Lần thứ hai, chị đi tham quan mấy trường dân lập, nhưng rồi trường thì quá xa, trường thì chất lượng chưa làm chị yên tâm, chị lại bỏ. Mấy trường công lập cứ nhắc đến tên là lại khiến chị bủn rủn: “Nghĩ lại ngày xưa mình bị học nhồi nhét, học thuộc như vẹt là lại sợ, không muốn con phải “khổ” như mình.”

Cuối cùng, qua một người quen giới thiệu, chiến dịch tìm trường cho con của chị Tuyết dừng ở một trường dân lập mới mở, sau khi trải qua những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, nhờ người chạy chọt. Chị nói: “Cũng không ngờ mình dám đưa con đi làm thí nghiệm!”

Giờ con đã yên vị trong trường, chị mới nhận ra: Việc chọn trường cho con thực ra chỉ là tương đối. Quan trọng là nơi đó phù hợp với con, con yêu thầy, mến bạn.

Phụ huynh rất chú ý đến trường tiểu học nổi tiếng, trường điểm. Tuy nhiên, với mỗi bậc cha mẹ lại có hàng loạt tiêu chí kèm theo với trường như gần nhà, tiện đưa đón, điều kiện bán trú, bệnh thành tích của trường đến đâu, sĩ số lớp thường thấy, lượng học sinh được tuyển,  phương pháp giảng dạy, cách điều hành của hiệu trưởng ..v.v khiến cho việc chọn trường càng thêm gian nan.

"Săn" trường, "săn" lớp, "săn" cả giáo viên

Nỗi khiếp sợ đến ám ảnh của các bậc phụ huynh khi cho con đi học trường công là bệnh học nhồi nhét kiến thức quá nặng, khiến cho các bé cảm thấy mệt mỏi và không có hứng thú học hành. Chính điều này đã nuôi dưỡng một niềm khát khao mới của các cha mẹ: “săn" bằng được thầy/cô giáo giỏi.

Chị Thu Anh kể lại: khi đi xin học cho con, chị biết hầu như trường nào cũng có một lớp rất tốt, con em giáo viên hay được ưu tiên, nhưng biết đó là lớp nào rất khó. "Khi xin vào trường, người ta còn căn cứ người bảo lãnh có chức vụ gì rồi mới xếp lớp theo thứ bậc từ cao xuống thấp của người đó".

“Mình không với cao được. Con mình xin vào trường đó là tốt rồi nên người ta xếp vào lớp nào thì xếp!”- chị nói.

Cuộc đua vào lớp 1 sau khi qua vòng trường sẽ quay đến vòng lớp. Cuộc đua vào lớp có cô giáo dạy tốt sẽ còn dữ dội hơn nữa bởi lâu nay, phụ huynh vẫn lưu truyền nhau lời khuyến dụ: Cấp 1 chọn cô, cấp 2 chọn lớp, cấp 3 chọn trường!

 Trên khắp các diễn đàn còn lưu lại khá nhiều “chiêu” để có thể được học đúng lớp có cô giáo giỏi như: nhờ cán bộ trong trường bảo lãnh, cho con học ở nhà cô trước rồi nhờ cô xin vào lớp luôn, nhờ cán bộ giáo dục “chuyển lời” giúp… “Chiêu” tận dụng triệt để các mối quan hệ thế này thường được dùng nhiều nhất.

Một cô giáo dạy tiểu học nổi tiếng ở quận Hoàn Kiếm than thở: Cứ đến mùa tuyển sinh, không biết bằng cách nào, phụ huynh luôn có số của cô. Cứ thế, hết người này đến người khác đưa con đến học thêm, cậy nhờ cô ... nói vài tiếng để bé được học lớp cô chủ nhiệm.

“Có phụ huynh không hiểu quy định là mình không được chọn học sinh, đến xin mình một lá thư đề nghị có chữ ký của mình khiến mình rất khó xử. Vào năm học, con không học ở lớp của mình thì lại tìm mình để thắc mắc, gây khó dễ. Vậy nên, mùa tuyển sinh nào mình cũng phải sang nhà chị họ trốn cả tối, không tiếp ai. Ban ngày thì khóa trái cửa lại và đi đâu đó mà tránh.”- Cô tâm sự.

Thông tin rộng mở, lại có diễn đàn để chia sẻ tin tức nên cô giáo giỏi luôn được cập nhật để bố mẹ tìm cách dọn đường cho con. Chính vì thế, cuộc đua vào lớp đôi khi còn nóng bỏng hơn cả cuộc đua vào trường. Và tất nhiên, mọi cuộc đua sẽ chưa thể dừng lại cho tới chừng nào các phụ huynh "cán đích" con đường học hành, công danh đầy tham vọng cho con mình.

  • Nguyễn Hường