Hình ảnh 4 ngư dân đi bộ từ Ninh Thuận về Phú Yên. |
Ngày 19/7, cộng đồng mạng xôn xao về hình ảnh 4 người đàn ông khoác ba lô đi bộ từ Ninh Thuận về Phú Yên trên đường quốc lộ. Sau đó, may mắn nhóm người này đã được Đội SOS Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Yên đưa xe đến đưa về tận nhà.
Anh Nguyễn Văn Thanh - 1 trong 4 ngư dân, đã chia sẻ câu chuyện xót xa về hành trình gần 20 tiếng gần như không ăn uống của mình.
Người đàn ông sinh năm 1991 cho biết, nhóm của anh lênh đênh trên biển gần 2 tháng nhưng gần như không thu hoạch được gì. “Ai cũng mệt mỏi và không chờ đợi được thêm nữa. Khi vào bờ, vì dịch bệnh nên việc sinh hoạt, mua bán cũng không được dễ dàng”.
Tiền trong túi cũng không còn nhiều, phương tiện đi lại khó khăn nên 6 người đàn ông quyết định đi bộ ra đường cao tốc để xin đi nhờ xe về quê.
“Thực ra, ban đầu chúng tôi không có ý định đi bộ về tận Phú Yên. Chúng tôi chỉ định đi bộ ra đường cao tốc xem có chiếc xe tải nào thì xin đi nhờ. Nhưng suốt 20km đầu tiên, không ai cho chúng tôi đi nhờ xe cả. Có lẽ cũng vì dịch bệnh nên các tài xế không nhận người lạ”.
“Đi từ sáng đến giữa trưa, 2 người trong chúng tôi xin đi nhờ được một chiếc xe tải là người quen của 1 trong 2 người đó. Đến chiều họ đã về đến nhà, chỉ còn lại 4 người chúng tôi đi tiếp quãng đường đến tối”.
Anh Thanh cho biết, trong suốt quãng đường từ Ninh Thuận đến sát Khánh Hoà, 4 người gồm anh và Nguyễn Văn Nhanh, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Kha có vào các hàng quán ven đường để mua đồ ăn uống nhưng không ai bán cho các anh.
“Họ thấy chúng tôi đi bộ, lại khoác ba lô nên thấy rất ái ngại và hoài nghi”.
Không ai bán cho cái gì để ăn, 4 người đàn ông nhịn đói từ sáng đến khoảng 1h chiều thì có một người phụ nữ thấy thương tình đã cho các anh nước uống và hoa quả để ăn.
Cứ thế, cả nhóm đi tiếp cho đến chiều tối, khoảng 5h30 phút, họ gặp một chốt kiểm dịch ở gần Khánh Hoà. Lúc này, cán bộ chốt kiểm dịch yêu cầu các anh phải có giấy xét nghiệm nhanh âm tính mới cho qua.
“Họ yêu cầu chúng tôi quay lại để làm xét nghiệm nhưng lúc ấy đã đi được 60km, giờ làm sao quay lại. Ban đầu lúc đi, chúng tôi cũng ra trạm y tế xã nhưng người ta nghỉ làm việc nên không xét nghiệm được”.
Chính vì thế, cả nhóm mới nghĩ ra cách là quay lại khoảng 200 mét để đi qua ruộng, tránh chốt kiểm dịch. “Chúng tôi đi qua ruộng khoảng 2km rồi lại lên đường quốc lộ đi tiếp” - anh Thanh kể.
Suốt quãng đường đó, anh Thanh liên tục “live-stream” hành trình của mình trên trang Facebook cá nhân. “Tôi live-stream thực ra không có ý định kêu gọi mọi người giúp đỡ hay ủng hộ gì chúng tôi cả. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là chia sẻ khoảnh khắc này để cho bạn bè, người thân biết về nỗi vất vả, về cuộc đời của người ngư dân chúng tôi. Tôi chỉ muốn chia sẻ thôi, chứ không hề muốn người ta thương hại mình”.
Anh Thanh nói, lúc ấy các anh cũng không còn hi vọng sẽ bắt được xe đi nhờ, mà xác định sẽ quyết tâm đi bộ về quê trong vòng 6 ngày đêm.
Nhưng may mắn, một người xem “live-stream” của anh Thanh đã liên hệ với Đội SOS Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Yên - nơi chuyên cung cấp các chuyến xe miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn. Khoảng 8h tối, hai bên liên lạc được với nhau. Đầu dây bên kia bảo các anh không cần phải đi tiếp nữa, đợi xe đến đón về quê.
“Khoảng 9h30 phút tối, tất cả chúng tôi đều đã quá mệt và kiệt sức. Không ai có thể bước tiếp được nữa. Nên chúng tôi tìm đến nghỉ chân ở một trường mầm non”.
Anh Thanh cho biết, cả nhóm dự định sẽ nghỉ đến 1-2h sáng rồi lại dậy đi tiếp. Bởi vì lúc ấy các anh không tin là sẽ có người đưa xe đến giúp như đã hứa.
Nhưng đến khoảng 12h đêm, chiếc xe của Đội SOS đã đến đón các anh ở bên đường đúng như lời hứa. Cả 4 người lên xe và đặt chân xuống Trạm Y tế xã An Ninh Đông, huyện Tuy An lúc 4h sáng để xét nghiệm nhanh.
“Về đến nhà, ai nấy đều khóc vì thương” - anh kể.
Nhóm ngư dân sau đó đã được xe của Đội SOS Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Yên đón về quê. |
Suốt đêm hôm ấy và cả ngày hôm sau, anh không ngủ được, một phần do mệt, nhưng chủ yếu là do đau. “Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa bao giờ đi bộ quá 1km. Tôi đau khắp mình mẩy. Hai bàn chân đến hôm nay vẫn còn sưng và mưng mủ”.
Mặc dù đã nhận kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 nhưng hiện anh vẫn trong thời gian cách ly, không được phép ra khỏi nhà.
Anh chia sẻ, nghề đánh cá của ngư dân các anh “may ăn rủi chịu”. “Mỗi năm tôi thường chỉ đi 1-2 chuyến xa và lâu ngày như vậy. Mỗi chuyến dài khoảng 1-2 tháng. Có những chuyến thu nhập 100-200 triệu đồng, nhưng cũng có những chuyến không có một đồng nào mang về. Ví dụ như chuyến gần 2 tháng lần này, chúng tôi không có đồng nào mang về cả. Suốt cả năm nay, công việc cũng khó khăn”.
Lần này về nhà, sau khi hết cách ly, anh Thanh dự định sẽ ở nhà nuôi cá với gia đình. Đợi dịch bệnh qua đi, anh lại tiếp tục đi biển.
Nguyễn Thảo
Bốn ngư dân đi bộ từ Ninh Thuận về Phú Yên: Nhịn đói xuyên ngày, gục bên đường
Hai tháng đi đánh cá mà không có tiền, 4 người đàn ông quyết định vượt gần 300km đi bộ về quê Phú Yên.