Đến mùa rong, các gành đá dọc bờ biển ở làng Nam Ô (TP Đà Nẵng) lại nhộn nhịp mùa hái "lộc biển. Loại rau đặc sản từng được tiến vua bây giờ lại mang thu nhập cao cho nhiều người.
Những ngày cuối năm, nhiều người dân ở làng Nam Ô, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng lại treo mình trên những gành đá đội sóng hái "lộc của trời, lộc của biển" mà họ quen gọi bằng cái tên dân dã: Rong mứt.
Theo người dân làng này, nhiều vùng biển ở các tỉnh trên cả nước cũng có món rong mứt biển. Tuy nhiên, ở vùng biển Nam Ô mứt biển được cho là ngon nhất bởi từng được dùng làm món ăn tiến vua.
Mùa rong mứt bắt đầu từ tháng 10 đến cuối tháng 12 dương lịch. Vào thời điểm này biển động, tàu thuyền không thể vươn khơi, nên hái "lộc biển" là một nghề mưu sinh được nhiều người lựa chọn.
Mứt biển thường mọc trên những gành đá cheo leo ven biển. Những bãi đá này rất trơn, lởm chởm, gồ ghề nên người hái rong phải thật cẩn thận nếu không rất dễ bị ngã.
Mùa biển động, những con sóng cũng sẵn sàng "tấn công" họ bất cứ lúc nào, nên bà con một tay thì hái rong mứt, còn mắt thì liên tục nhìn về phía biển đề phòng nguy hiểm.
Bà Phạm Thị Cứ (62 tuổi, trú tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho hay, để hái được rong phải biết lựa con nước, có khi phải dậy từ 1h sáng hái đến 10h trưa. Nước rút sớm thì đi sớm, còn rút trễ đi trễ.
This video
Ngư dân đội sóng, leo vách đá săn "lộc biển" mùa biển động
"Trời tối thì mang theo đèn pin để soi, hái đến khi nước lên thì về. Ngày hái vài tiếng, cũng được 4-10kg, thu nhập cũng được 400-1,2 triệu đồng. Nếu được mùa thì một tháng tôi thu nhập từ 10 triệu đến 12 triệu đồng", bà Cứ chia sẻ.
Dụng cụ để hái rong biển cũng vô cùng đơn giản, gồm vợt nhựa, bao tay, túi đựng và miếng thiếc cào rong. Khi trèo lên các vách đá để hái mứt biển phải mặc áo quần bó chặt cơ thể, đầu đội mũ trùm kín chống lại với giá rét, sương sớm của biển.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề "bán bát máu, ăn bát cơm", anh Trần Văn Chung (SN 1997, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) không nhớ nổi bao nhiêu lần đã bị sóng đánh ngã dúi dụi, bị hàu cứa trầy hết cả lưng. Trong những lần như thế anh thấy mình thật may mắn khi không phải bỏ mạng nơi vách đá chênh vênh.
Chỉ những cái sẹo chằng chịt trên người, anh Chung bảo: "Hàu cứa đấy! Người làm nghề như tôi thì sinh - tử chỉ cách nhau một bước chân sai lầm. Nhưng có hôm vì miếng cơm, manh áo nên biết là hiểm nguy đang chực chờ bên lưng nhưng vẫn phải ra ghềnh", anh Chung nói.
Theo cha đi hái rong mứt từ khi còn rất nhỏ, bà Huỳnh Thị Thà (55 tuổi, trú tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho hay, muốn hái được nhiều rong mứt phải ra bu ra những gành đá ngay mép sóng tuy nhiên ra xa thì đá rất trơn, sóng vỗ liên tục phủ lên tới cả đầu.
"Rong mứt mọc trên gành đá và chỉ có vào mùa biển động, bởi vậy nên vừa hái rong phải vừa canh sóng. Nay cũng gần đến Tết rồi, mong sao thời tiết thuận lợi để rau mứt mọc nhiều cho người dân có tiền sắm sửa", bà Thà nói.
Còn bà Lê Thị Hường (80 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết, mọi năm rong biển khá nhiều nên một buổi có thể hái được tầm 10-15kg nhưng năm nay không được mùa nên hái chưa đến chục ký.
"Những người giỏi có thể kiếm từ 1-1,5 triệu đồng sau vài tiếng khai thác rong mứt. Cao điểm có người một tháng có thể "trúng" từ 30-40 triệu. Những người già như tôi một ngày cũng có thể kiếm từ 300-700 nghìn đồng", bà Hường chia sẻ.
Theo người dân ở đây, đã không ít người làm nghề này bị gãy chân, gãy tay hay phải mang thương tật cả đời bởi trượt chân té ghềnh hoặc sóng quật vào đá gây bể đầu.
Rong biển sau khi được hái về sẽ để ráo, rửa qua một lần nước biển. Một kg rong biển có giá dao động khoảng 120-150 nghìn đồng/kg. Ngoài ra có thể được ép khô nước, phơi khô sau một nắng và bán với giá 1,2 triệu đồng/kg. Khoảng 10 kg mứt biển tươi thì sẽ được 1 kg mứt biển khô.
Bao đời qua, dù khó khăn, vất vả những người ngư dân nơi đây vẫn theo nghề hái "lộc biển". Họ dầm mình nhiều giờ trong nước chỉ vì muốn đem về một cái Tết đủ đầy cho gia đình.
Đôi khi có người ra về tay trắng hay thu nhập không được cao, nhưng ai cũng gắn bó với cái nghề đã nuôi sống cuộc đời của bao thế hệ.
(Theo Dân Trí)
Rau rừng phải vận chuyển bằng máy bay, có giá thành đắt ngang với thịt lợn, nhưng nhiều bà nội trợ ở Hà Nội vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua về ăn thử.