Tự sát, cầm dao đòi giết người giữa phố khi "ngáo đá" là những tình huống xảy ra trong thực tế. Điều gì đã biến một người bình thường trở nên tàn bạo khi dùng ma túy đá?

"Ngáo đá" ngay lần đầu tiên sử dụng

PGS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức (Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện 103) cho hay, “ngáo đá” là hiện tượng xảy ra khi sử dụng ma túy đá có hoang tưởng ảo giác như ảo thị, ảo thanh, ám ảnh bị hại, bị giết, nhìn thấy quái vật. Đây là tình trạng rất nguy hiểm bởi nó chi phối hành vi, khiến người bị “ngáo đá” có thể giết người hoặc tự sát.

{keywords}

Hình ảnh nam thanh niên có biểu hiện phê thuốc, múa dao ở khu vực Ngã Tư Sở, Hà Nội vào ngày 10/4/2014.

Ông lấy ví dụ trường hợp một ca sĩ ở Hưng Yên đã lên cơn “ngáo đá” và giết người yêu chỉ vì nghĩ cô này là quỷ. Anh ta ảo tưởng cô có lưỡi dài và đang bơm chất độc vào cơ thể mình.

Một bệnh nhân tại Mỹ Đức (Hà Nội) cũng khiến PGS Đức ám ảnh khi vung dao đâm trọng thương bố mẹ và em trai sau đó tự rạch bụng mình cắt gần hết ruột non và nhảy xuống ao ngâm mình tự tử.

Giải thích về hiện tượng này, PGS Đức cho biết: “Ma túy đá có chứa chất dạng Methamphetamine hoặc Amphetamine được tổng hợp từ các hóa chất. Đây là chất kích thích mạnh, khi đi vào cơ thể làm biến đổi tư duy, tri giác, khiến người lương thiện thành kẻ hung hãn, độc ác”.

Mặc dù ma túy đá khó nghiện hơn các loại khác, nhưng người ta thích sử dụng vì sự kích thích thần kinh mãnh liệt. Đặc trưng nhất của người nghiện là gặp ảo giác, hoang tưởng, loạn thần. Cơn “ngáo đá” có thể diễn ra trong vài chục phút, vài tiếng hoặc vài tháng. Đáng lo ngại, những điều này diễn biến bên trong tâm tưởng của kẻ sử dụng nên người xung quanh khó nhận biết.

Theo ý kiến của chuyên gia, dưới góc độ luật pháp, “ngáo đá” có thể gây các tội ác tày trời trong tình trạng loạn thần nặng nhưng không phải là tình tiết giảm nhẹ. Pháp luật đã có quy định về trường hợp người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc các chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và “ngáo đá” cũng không ngoại lệ.

 Ma túy đá biến đổi rất nhanh, khiến bản thân người nghiện không làm chủ được chính mình. Vì vậy, PGS Đức khuyến cáo người sử dụng có thể bị loạn thần ngay lần đầu chứ không nhất thiết phải chơi nhiều. Nếu dùng liên tục trong thời gian dài, các triệu chứng về loạn thần sẽ trở thành mãn tính.

Hiện nay, “ngáo đá” chiếm khoảng 20% các trường hợp sử dụng ma túy đá. Ngoài ra, người nghiện còn có các biểu hiện rối loạn tâm thần khác. Chất gây nghiện này rất độc hại cho người sử dụng do được sản xuất thủ công nên có nhiều tạp chất, dễ gây nhiễm độc.

Người bị “ngáo đá” có các biểu hiện gần như giống với bệnh tâm thần phân liệt nhưng mức độ nguy hiểm hơn. Nhiều trường hợp khiến bác sĩ nhầm lẫn do không nắm được tiền sử sử dụng ma túy của người bệnh, gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Đối phó người “ngáo đá” như thế nào?

Du nhập vào Việt Nam muộn nhưng theo thống kê của cơ quan chức năng, tỷ lệ người sử dụng ma túy đá khá cao. Đặc biệt, những người này còn nguy cơ bị ảo giác, hoang tưởng nặng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Điều tra của Viện sức khỏe tâm thần cũng cho thấy một xã của Nam Định có 47 người sử dụng ma túy đá trong độ tuổi 18-60 (trên tổng số 10.000 dân).

Đặc biệt, người sử dụng không có biểu hiện vật vã khi lên cơn thèm thuốc. Điều đó khiến gia đình không biết được con em sử dụng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

PGS Đức khuyến cáo ma túy đá rất nguy hại, cần phải ngăn chặn sớm. Gia đình phải chịu trách nhiệm trong việc giáo dục, bảo vệ con trẻ khỏi tác động củac chất gây nghiện này. Sự hiểu biết còn mơ hồ, hạn chế của gia đình và bản thân giới trẻ là một phần nguyên nhân khiến loại ma túy độc hại này đang xâm nhập và tàn phá một bộ phận thanh niên.

Trong trường hợp người thân có biểu hiện “ngáo đá”, gia đình cần tỏ ra đồng cảm, bình tĩnh nhưng kiên quyết quản lý và nhanh chóng đưa đối tượng đến cơ sơ tâm thần để được điều trị và tư vấn. Người mới sử dụng cần sớm đoạn tuyệt với loại ma túy này. Bệnh nhân đã mắc nghiện nên vào các trung tâm để được chữa trị phục hồi chức năng.

(Theo Zing)