- Vợ người Nhật, 2 cô con gái vẫn ở Nhật cùng mẹ. Hơn nửa thế giới riêng của TS Nguyễn Trí Dũng liên quan đến nước Nhật ấy là nơi đi về chỉ khi ông gói xong bộn bề công việc ở Việt Nam. Những công việc, dự án dài dằng dặc, chỉ có thể gói gọn trong 4 chữ: "Giấc mơ Việt Nam".
Đã 8 năm kể từ ngày TS Nguyễn Trí Dũng nhận giải thưởng Vinh danh nước Việt do VietNamNet sáng lập và tổ chức nhằm tôn vinh những người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều thành tích trong sự nghiệp và nhiều đóng góp cho đất nước.
Vẻ điềm đạm, nhẹ nhàng, tinh tế, sắc sảo cố hữu ở trí thức - doanh nhân Việt kiều này vẫn luôn là điểm níu giữ sự chân thành của bất kể ai khó tính nhất khi đối diện.
Khác biệt lớn 8 năm qua ở ông, không phải màu tóc muối sương đậm hơn, mà là những dấu cộng nhiều hơn về thành quả đưa khoa học, công nghệ phát triển đến với đất nước, là những dự án kinh doanh mang giá trị thặng dư đóng góp cho kinh tế đất nước.
Đó là xúc tiến thành lập một trung tâm tư vấn liên kết công nghệ theo mô hình công viên khoa học thu nhỏ, xúc tiến chuyển giao công nghệ nhựa của Nhật cho Việt Nam. Trường doanh thương do ông sáng lập ở TPHCM sau 25 năm chuyên về giảng dạy quản trị kinh doanh, giờ đang hướng vào sản xuất công nghiệp.
TS Nguyễn Trí Dũng |
Công ty riêng của ông ở TP.HCM sau hơn 20 năm đã có nhiều sản phẩm công nghệ cao xuất đi thị trường thế giới - những sản phẩm độc đáo "ăn điểm" khách hàng khó tính nước ngoài đó là đi vào công nghệ cao qua con đường... thủ công mỹ nghệ.
25 năm kể từ khi chính thức ở Nhật trở về thực hiện dự án đầu tiên ở Việt Nam, cho đến nay, mọi dự án mới của ông đều gắn liền với sứ mệnh góp sức xây dựng nền tảng cho "công nghiệp chất xám".
"Ngày nay vốn có thể vay, kỹ thuật có thể mua cho nên sản xuất một loại sản phẩm không khó lắm nhưng các vấn đề như thiết kế hình dạng, màu sắc phù hợp thị hiếu, nhu cầu của thị trường để có thể tiêu thụ được là việc rất khó.
Đây là đặc điểm tạo sự khác biệt về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, người ta gọi là công nghệ chất xám" - TS Dũng phát biểu tại hội nghị người Việt Nam toàn thế giới lần thứ hai ở TP.HCM năm ngoái.
Và ông cho rằng, công nghiệp chất xám đó có lõi trung tâm chính là nền tảng khoa học kỹ thuật phát triển, nhân lực - trí thức khoa học được đào tạo bài bản. Bởi ông cho rằng, một đất nước muốn đi lên trở thành quốc gia công nghiệp như Việt Nam thì mọi con đường hiện đại hóa phát triển phải dựa trên nền tảng khoa học, kỹ thuật phát triển.
Nhưng là quốc gia phát triển đi sau, để ứng dụng cái "kỹ Tây" đó trở thành của mình thì phải mang dấu ấn "hồn ta". Và trong mọi kiến nghị cho sự phát triển khoa học công nghệ hiện đại của Việt Nam, ông đều nhấn mạnh yếu tố phải xuất phát từ truyền thống dân tộc.
"Giấc mơ Việt Nam"
Tất cả những điều trên khi phát biểu tại hội nghị người Việt Nam toàn thế giới năm ngoái, ông đều gắn với một dự án lớn nhất của cuộc đời, được ông đặt tên là "Giấc mơ Việt Nam".
“Hầu hết đều hỏi “Giấc mơ Việt Nam” có ý nghĩa gì? Tôi thiết nghĩ ngày còn chiến tranh, không có ước mơ nào lớn hơn ước mơ về một đất nước hòa bình, chấm dứt mọi đau thương của chiến tranh. Và sau chiến tranh chỉ có ước mơ vuợt khỏi đói nghèo để vươn tới cuộc sống tươm tất đàng hoàng.
TS Nguyễn Trí Dũng nhận bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao vì đóng góp trong việc phát triển cộng đồng, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật (tại hội nghị người Việt toàn thế giới lần hai ở TP.HCM năm 2012) |
Chắc không ít người Việt dù trong hoàn cảnh nào, dù không nói ra nhưng cũng đều nhen nhóm ước mơ về một đất nước Việt Nam không thua kém, biết tham khảo kinh nghiệm nhân loại để phát triển nhưng vẫn gìn giữ truyền thống bản sắc dân tộc, ước mơ về một thế hệ trẻ thanh niên có ý chí phấn đấu xây dựng quê hương với bản lãnh khoa học kỹ thuật vững chắc” - TS Dũng chia sẻ với VietNamNet.
25 năm. Có những điều trong "Giấc mơ Việt Nam" đã trở thành hiện thực. Đi qua những khó khăn, gian nan, đến nay, ông đã có thể đong đếm thành quả nhất định. Nhưng vẫn còn đó những trăn trở.
Ông cho hay, nhìn lại hơn 35 năm qua, ngay sau khi chiến tranh kết thúc một thế hệ Việt kiều đã âm thầm lặng lẽ đóng góp, chấp nhận những mất mát cá nhân.
Người miệt mài giảng dạy ở đại học, người dựng trường học, kẻ bôn ba với các hoạt động văn hóa hay khoa học góp phần trực tiếp xây dựng đất nước. Sau đó, giai đoạn đất nước hội nhập, từ năm 1995 đã có đông đảo Việt kiều về nước tham gia đóng góp.
"Đã đến lúc những đóng góp này phải được quan tâm hơn. Sự thành công từ những đóng góp này là những nhân tố tích cực cần được nhân rộng bằng những chủ trương chính sách để trở thành cơ sở xuất phát cho một thế hệ mới" - ông kiến nghị đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong ước mơ đóng góp nỗ lực "thăng hạng" cạnh tranh của đất nước, ông kỳ vọng nguồn lực của đất nước sẽ không bị phân tán, không còn kiểu “mạnh ai nấy làm".
"Với mẫu số chung là Việt Nam, chúng ta sẽ phải suy nghĩ hành động như thế nào để vì Việt Nam đoàn kết lại thực hiện giấc mơ Việt Nam phải có một vị trí xứng đáng với tầm vóc lịch sử" - ông phát biểu.
Người "chê cơm" Liên hợp quốc TS Nguyễn Trí Dũng là một trong những Việt kiều ở Nhật đầu tiên được Chính phủ Việt Nam sau khi thống nhất đất nước mời về nước từ 1976 để giúp quê hương vượt qua khó khăn sau chiến tranh. Khi đó, ông đang là chuyên viên kinh tế phát triển của Liên hợp quốc (LHQ) tại Nhật Bản phụ trách các nước đang phát triển (ông là người Việt Nam đầu tiên làm việc cho LHQ). Đi đi, về về, ông âm thầm tham gia những chương trình hợp tác ở trong nước. Sau hơn 16 năm làm cho LHQ, ông trở về Việt Nam, khởi đầu từ những dự án như thành lập trường tư thục đầu tiên ở Việt Nam đào tạo về quản trị kinh doanh, mở công ty... mà nhiều người khi đó nghĩ ông mạo hiểm. "Nhiều người cũng hỏi tôi sao “chê cơm” LHQ sau gần 20 năm ngồi ở vị trí chuyên gia kinh tế phát triển và đào tạo mà không mấy ai có được để về Việt Nam trong thời điểm khó khăn. Tôi suy nghĩ rất đơn giản vì tôi là người Việt Nam. Nếu chỉ sống ở nước ngoài, dù có học đến đâu, thành đạt thế nào nhưng cũng không thể quên đi những thổn thức của dân tộc, những gởi gắm không lời của nhiều thế hệ đã hy sinh, và những giá trị văn hóa, tình cảm… luôn hằn sâu trong tâm hồn mỗi người Việt chúng ta".
|
Minh Anh