- 60 năm đã qua đi, nhưng những gì diễn ra trong chiều tối 7/5/1954 khiến ông Đinh Văn Quyên không thể nào quên. Ông chính là người đã chuyển bức điện lịch sử báo tin chiến thắng Điện Biên Phủ từ chiến trường Điện Biên về khu ATK cho Bác Hồ và Trung ương Đảng.
Chiếc đài phiên hiệu V108 và bức điện lịch sử
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá, chủ nhiệm thông tin Quân đoàn 1 Đinh Văn Quyên được giao làm việc ở văn phòng của Tổng quân ủy (Văn phòng BQP) - bản doanh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Ở vị trí là đài trưởng, nhiệm vụ chính của ông là liên lạc, truyền/nhận thông tin. “Khi nào ở trên Điện Biên Phủ có điện báo cáo về thì có người cơ yếu mã hóa những chữ mật, đưa tôi để chuyển về Trung ương. Và ngược lại, Bác Hồ và Trung ương có chỉ thị gì đều gửi qua đài của tôi rồi tôi đưa qua người cơ yếu, người ta dịch ra rồi chuyển tới Đại tướng”, ông Quyên kể lại.
Ông Đinh Văn Quyên - người chuyển bức điện báo tin chiến thắng Điện Biên Phủ từ Sở chỉ huy Mường Phăng về cho Bác Hồ và TƯ Đảng chiều tối 7/5/1954 Ảnh: C.Q |
Có rất nhiều đài liên lạc, truyền nhận thông tin nhưng đài nơi ông Quyên làm việc (có phiên hiệu V108, loại đài vô tuyến điện) đặc biệt nhất vì được ở ngay sát cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tất cả thông tin quan trọng đều phát ra và thu về qua đài này. Ngay cả việc thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” cũng phải báo cáo qua đây để về dưới xuôi.
Công việc ở vị trí này không quá nguy hiểm như những người trực tiếp xông pha chiến đấu trên chiến trường, song ông Quyên cho biết người đảm nhận cần hết sức trách nhiệm, cẩn trọng, chính xác, không được phép nhầm lẫn, làm việc kịp thời và tuyệt đối giữ bí mật.
Đối với ông, được làm việc cạnh Đại tướng, được chuyển/nhận những tin tức mật liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ là một niềm vinh dự và tự hào. Nhưng chính ông cũng không ngờ mình lại có “may mắn” trở thành người chuyển bức điện lịch sử báo tin mừng chiến thắng Điện Biên Phủ về cho Bác Hồ và Trung ương Đảng vào chiều tối ngày 7/5/1954 qua chiếc đài V108 quen thuộc.
Kìm nén rồi vỡ òa
Ông Quyên kể: Khoảng trưa ngày 7/5/1954, Bộ Tổng chỉ huy ra lệnh toàn mặt trận tổ chức xung phong đánh giặc, các đơn vị ẩn nấp được phép xuất kích hết để tổng tiến công. Đến 17h, khi tướng De Castries và binh lính bị bắt sống, giặc như rắn mất đầu.
Lán ngủ của điện báo viên tại Sở chỉ huy Mường Phăng đã được phục dựng. Ông Quyên cho biết trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 5 điện báo viên đều làm việc trong hầm được đào như "hàm ếch", dưới lót cỏ khô. Ảnh: C.Q |
“Lúc đó qua điện thoại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn yêu cầu kiểm tra chính xác xem người bị bắt có phải tướng De Castries không. Đồng chí Lê Trọng Tấn là Sư trưởng Sư đoàn 312 đã hỏi và bắt từng người đứng ra xưng tên, rồi xác nhận lại với Đại tướng đúng là đã bắt được tướng De Castries. Lúc đó Đại tướng yêu cầu viết điện báo cáo Trung ương tin chiến thắng”, ông Quyên thuật lại.
Sau khi bức điện được viết, người làm nhiệm vụ cơ yếu trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Nguyễn Đình Chuân đã mã hóa rồi chuyển qua cho ông Đinh Văn Quyên với lời dặn: “Điện thượng khẩn cần chuyển, anh làm ngay lập tức”.
Ông Quyên thực thi ngay mệnh lệnh. Khoảng 19h ngày 7/5/1954, bức điện đã mã hóa được chuyển về cho Bác Hồ và Trung ương Đảng. Chỉ 15 phút sau, Bác Hồ đã biết tin chiến thắng. Bản tin nhanh lúc 21-22h đêm ngày 7/5 của Đài tiếng nói Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc cũng đã loan báo tin tức đặc biệt này và đến sáng 8/5 thì tất cả đều rộn ràng, hoan hỉ, vỡ òa trong niềm hạnh phúc.
“Thực ra lúc anh Chuân đưa bức điện cho tôi, tôi không được biết đó là điện báo chiến thắng, nhưng tôi cũng đoán được. Bởi từ chiều tôi cảm thấy trong mắt anh em đã ánh lên sự vui sướng, cảm giác chiến thắng đã đến gần rồi nhưng phải kìm nén, không dám thể hiện vì chưa có thông báo chính thức”, ông Quyên hồi tưởng.
Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ (tức 8/5), bản thân ông Quyên mới biết chính xác nội dung bức điện được viết rất ngắn gọn: “Quân ta đã toàn thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ, bắt sống được tướng Đờ cát”.
Và ngày 8/5, trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tại hội nghị Genève Phạm Văn Đồng cũng biết tin mừng chiến thắng. “Đây là hội nghị bàn về việc kết thúc chiến tranh Việt Nam. Lúc đó chúng ta đàm phán với tư thế của người đã chiến thắng”, ông Quyên tự hào nhắc lại.
Cẩm Quyên