- Năm 1954 trước khi ra nước ngoài sinh sống, bố tôi có ủy quyền cho bác ruột quản lý và sử dụng một căn nhà tại TP. Hồ Chí Minh. Giấy ủy quyền được chứng thực tại cơ quan hành chính, không xác định thời hạn ủy quyền và không được ủy quyền lại. Bác tôi chết năm 2000. Nay bố tôi muốn đòi lại quyền sở hữu căn nhà đó thì có được không? (Bạn đọc Minh Thuận, TP.HCM).

Tin bài cùng chuyên mục:
VietNamNet ‘khô hạn’ đề tài nông thôn, nông dân
Chấp nhận dâng hiến cho người... cùng giới
Thắc mắc về sổ đỏ và đất tái định cư
Đã có nhà mà vẫn muốn mua nhà thu nhập thấp?

Luật sư tư vấn:

Ảnh minh họa
Ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có quyền và nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Như vậy, đối tượng của ủy quyền là công việc, chứ không phải là tài sản nào đó. Việc bố bạn có tài sản là căn nhà tại TP.HCM và đã ủy quyền cho bác bạn quản lý tức là đã giao công việc cho bác bạn được thực hiện nhân danh bố bạn; quyền sở hữu của bố bạn đối với căn nhà vẫn thuộc về bố bạn mà không chuyển giao sang cho bác bạn.

Điều 185 Bộ luật Dân sự quy định về quyền chiếm hữu của người được ủy quyền quản lý tài sản như sau: Khi chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản cho người khác thì người được ủy quyền thực hiện quyền chiếm hữi tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định. Người được ủy quyền quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao.

Như vậy, quyền sở hữu căn nhà vẫn luôn thuộc về bố bạn (trừ trường hợp đã chuyển quyền bằng một hợp đồng, giao dịch như mua bán, tặng cho …). Bác bạn chỉ là người đại diện để quản lý, trông nom mà không trở thành chủ sở hữu của căn nhà đó.

Hợp đồng ủy quyền giữa bố và bác bạn không có thời hạn thì theo quy định của pháp luật hợp đồng này có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Hợp đồng ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp:

- Hợp đồng ủy quyền hết hạn;

- Công việc ủy quyền đã hoàn thành;

- Bên ủy quyền, bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng;

- Bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

Đối chiếu với quy định trên thì nay bác bạn đã chết do đó ủy quyền giữa bố và bác bạn đương nhiên hết hiệu lực theo quy định của pháp luật. Như vậy, bố bạn vẫn tiếp tục được thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với căn nhà trên. Vậy bố bạn không cần phải đòi lại quyền sở hữu căn nhà đó mà từ trước đến giờ vẫn là chủ sở hữu của căn nhà.
  • Tư vấn bởi Luật sư Đào Thanh Huyền, điện thoại: 0944479360, địa chỉ email luatsudaothanhhuyen@gmail.com.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).