Bà Phạm Thị Tùng (Mễ Trì Hạ, Hà Nội) đưa chồng đi hỏi vợ hai vì muốn… giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Nhà trai không đến đón dâu
Bà Tùng kể, trước đây bà là người con gái xinh đẹp, học giỏi có tiếng ở vùng
Thanh Ba, Phú Thọ. Thế nhưng, cái duyên số của bà nó chẳng ra làm sao cho nên
rất lận đận về chuyện tình duyên, gia đình.
"Ngày đó tôi học trường cơ yếu ở Vĩnh Phúc, tôi yêu một anh quê Phú Thọ. Ngày
cưới tôi cũng là ngày bất hạnh nhất. Cả làng, cả họ chờ cả ngày mà không hiểu vì
sao không thấy nhà trai đến đón dâu. Sau này tôi mới biết chỉ vì mình cư xử
không khéo nên nhà trai mới hủy hôn", bà Tùng buồn rầu kể lại.
Bà Phạm Thị Tùng. |
Mối tình thứ hai của bà cũng thật trớ trêu. Khi người yêu sang hỏi bố mẹ bà các thủ tục lễ cưới để về chuẩn bị thì bố mẹ bà bảo: "Làm thế nào cũng được". Vì lòng tự ái nên anh ta đã bỏ về và không bao giờ quay lại nữa.
Sau này bà được người cô họ hàng mai mối gặp ông Nguyễn Văn Thanh (người Hà Nội gốc). Bà không cần xem mặt mà quyết định cưới luôn và xem như thế là một định mệnh của cuộc đời mình.
Đi hỏi vợ cho chồng
"Vợ chồng lấy nhau cũng ổn định được một thời gian. Một lần, ông ấy đi xem bói, thầy bói phán ông ấy có hai vợ. Người vợ hai phải do vợ cả đi chọn và hỏi cưới. Một hôm ông ấy bảo: "Bà phải đi tìm vợ hai cho tôi.
Tôi nhảy dựng lên, nói không đồng ý thì bị ông ấy đấm đá túi bụi vào mặt. Lúc đó tôi nghĩ nhiều lắm, làm sao để mình được ở bên 4 đứa con. Nếu còn chồng, còn con, còn tất cả. Mất chồng, mất con là mất tất. Hơn nữa, tôi không muốn con cái tôi không có cha hoặc mẹ. Vậy là...".
Có cô gái làng bên bị chồng bỏ. Chồng bà biết tin thủ thỉ với bà: "Em lên hỏi cô gái đó cho anh nhé".
"Sáng mồng năm Tết năm đó, tôi đạp xe sang thăm nhà cô gái đó. Khi đến nơi, tôi chưa hỏi gì thì ông bố cô gái đó đã nói: "Con bé nhà tôi có con 4 tuổi. Từ khi lấy chồng đến lúc sinh con có 5 tháng, chồng không công nhận là con mình. Giờ ai thương tôi gả cho". Tôi bảo để cho nhà cháu lấy cho chồng. Hôm sau mấy mẹ con đạp xe lên cưới vợ cho ông ấy", bà Tùng kể lại.
Khóc thầm
Bà kể, vì thương chồng và thương cô ấy nên tôi cho về nhà ở chung. "Đó là sai
lầm lớn nhất của tôi. Hai vợ chồng ông ấy ở giường bên, còn 5 mẹ con tôi chen
chúc nhau một giường. Nhiều hôm vợ chồng ông ấy "sinh hoạt" xong phờ râu cáo, cứ
để tống hốc thế, tôi sợ các con nhìn thấy nên vén chăn lên cho vợ chồng ông ấy".
Bà Tùng than thở: Tự nhiên rước nó về. Lúc đầu còn khỏe mạnh sau này ốm yếu tôi
phải chăm sóc hết. Lúc vợ hai đẻ, tôi cũng phải chăm sóc. Nửa đêm vợ hai kêu:
"Chị ơi nó khóc, chị ơi nó đi vệ sinh...", tôi lại sang thay tã lót cho.
Chồng bà gần như mất việc. Vợ hai không có công ăn việc làm lại có cả con riêng.
Mình bà phải lo toan cho 9 miệng ăn. Để có tiền, bà đi buôn bán nay Vĩnh Yên,
mai Hà Nội, Lào Cai.
Bà Tùng kể: "Lúc đầu tôi buôn bán kiếm cũng được nên đã đưa tiền cho ông ấy để
mua nhà cửa ruộng vườn ra ở riêng. Thế nhưng ông ấy và vợ hai cũng không làm gì
kiếm ăn. Rồi ông ấy bảo: "Bán đi 1 nơi, để về ở tập trung. Phải nuôi cả 9 miệng
ăn trong suốt mấy năm trời tôi thấy khổ quá. Tôi không đồng ý, thế mà ông ấy lại
đánh đập tôi. Chà đạp nhiều quá tôi không thể chịu nổi. Thế là tôi đề nghị ly
dị. Bốn năm lần làm đơn ly dị tôi mới bỏ được ông ấy. Mọi người ly dị thường căm
thù nhau. Nhưng tôi thì vẫn thương ông ấy lắm, hàng đêm nằm khóc thầm. Thương
con mỗi đứa một nơi".
"Ông ấy có nói với các con tôi rằng mẹ mày tốt lắm, bố tuột tay đánh mất viên
ngọc quý mà bố tìm được, đó là nỗi đau của bố. Giờ ông ấy hối hận lắm, bảo ngày
xưa tôi sống cục cằn làm khổ bà. Giờ tôi hối hận, hiền lành rồi thì giờ lại
không được bên bà nữa. Giờ ông ấy hối cũng đã muộn rồi. Tôi không cần nữa. Nhưng
ông ấy có gì khó khăn thì tôi sẵn sàng giúp, chia sẻ".
(Theo Bee.net.vn)