- Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm với những căn bệnh tuổi già làm phiền, bà vẫn quan niệm: "Tôi thích làm việc. Tôi sợ cảm giác rỗi rãi. Tôi không xin ai và tôi muốn tự làm để nuôi sống mình và chữa bệnh cho con gái".
Tôi sợ cảm giác rỗi rãi
Đường Hai Bà Trưng (P. Tân Định, Q.1, TP.HCM) buổi sáng đông người. Một người phụ nữ vẫn cố len qua đi đến ngã tư nơi giao với đường Trần Quang Khải. Bỏ những chiếc bọc đầy vỏ lon bia, chai nhựa ngay chân trụ điện - nơi đã có nhiều chiếc bọc như thế, bà ngồi xuống.
Mỗi ngày bà đều mang phế liệu nhặt được ngồi trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng, góc giao với đường Trần Quang Khải, chờ người đến mua. |
Sáng nào bà cũng đến đây với mớ đồ lỉnh kỉnh như thế. Một lát, bà lục trong những chiếc bọc lấy ra hộp thức ăn. Bà bình thản ngồi ăn một cách ngon lành.
Người phụ nữ có đôi mắt sáng, gương mặt đầy những nếp nhăn nhưng rất hiền hậu giải thích: "Tôi ngồi đây để chờ người ta đến mua đồ".
Bà là Lưu Á Phương, năm nay tròn 79 tuổi. Nhà bà trong con hẻm nhỏ. Gia cảnh của bà cũng không đến nỗi quá khó khăn. Nếu không đi nhặt phế liệu, bà vẫn có thể sống được nhờ vào sự trợ giúp của người thân, con cái. Thế nhưng bà vẫn đi làm.
Bà có hai người con đều đã ngoài 50 tuổi. Con trai bà đang làm bảo vệ cho một cơ sở ở Chợ Lớn. Người con gái ở với bà, đang mắc bệnh tiểu đường. Bà tâm sự, bà không thể ngồi một chỗ nhận sự trợ giúp và nuôi nấng của người khác. Lý do rất đơn giản, bà là người quen làm việc.
Vì thế ngày nào cũng vậy, bà đi khắp nơi để tìm kiếm, nhặt nhạnh những thứ mà người ta vứt đi về bán kiếm tiền sinh sống.
Ngoài hai bữa ăn sáng và tối phải tự túc, cứ 11h trưa bà vào nhà thờ Tân Định dùng một bữa cơm từ thiện.
Bà Phương trên đường đến địa điểm bán hàng. |
Một người dân là láng giềng lâu năm với bà cho biết, người em ruột của bà ở nước ngoài nhiều lần đề nghị sẽ gửi tiền về trợ cấp và yêu cầu bà nghỉ ngơi, không phải ngược xuôi vất vả. Thế nhưng bà không đồng ý.
Bà nói: "Tôi thích làm việc. Tôi sợ cảm giác rỗi rãi. Tôi không xin ai và tôi muốn tự làm để nuôi sống mình và chữa bệnh cho con gái".
Còn sống, còn làm
Chúng tôi đến thăm nhà bà, một căn nhà gạch trong con hẻm hẹp. Trong nhà ngổn ngang phế liệu bởi nơi đây vừa là nhà ở, vừa là kho chứa đồ.
Bà đang tỉ mẩn chọn lựa các vỏ chai, vỏ lon... cho vào bọc nhựa xếp thành hàng trước cửa nhà.
Bà cúi gập người vì không thể đứng thẳng lên được. Người phụ nữ ấy vừa làm vừa kể cho chúng tôi nghe cuộc đời đầy sóng gió của mình.
Hơn 20 tuổi bà lấy chồng. Chồng bà là tài xế xe bồn chở nước. Họ sống với nhau rất hạnh phúc và lần lượt 2 đứa con ra đời. Con còn nhỏ dại nhưng biến cố lớn trong đời đến với bà. Ông bị thiệt mạng sau một tai nạn.
Trong nhà bà ngổn ngang phế liệu. |
Chồng mất, bà làm đủ nghề để mưu sinh, trong đó nghề chính là bán thịt heo. Những đồng tiền kiếm được đượm mồ hôi của người góa bụa trẻ tuổi đã nuôi 2 con khôn lớn.
Con cái lớn dần, bà vẫn bán hàng, làm thuê, không một phút giây ngơi nghỉ. Vất vả trong cả quãng đời thanh xuân khiến bà lãng quên việc tìm cho minh một bến đỗ mới.
Trong một lần đi làm gặp tai nạn nhưng không thấy vết thương nào trên người, nên bà đã chủ quan không khám bệnh.
Từ đó, cột sống bà yếu dần và không thể đứng thẳng người. Đến hôm nay, bà phải gần như cúi gập người mới có thể di chuyển được.
Bà nói: "Tôi thích làm việc. Tôi sợ cảm giác rỗi rãi. Tôi không xin ai và tôi muốn tự làm để nuôi sống mình và chữa bệnh cho con gái". |
Bà than thở với chúng tôi, cả 2 người con bà đã quá nửa đời người mà chưa ai ổn định. Người con gái đến nay vẫn chưa chồng. Người con trai có vợ được vài năm nhưng vì nghèo quá, vợ bỏ đi tìm hạnh phúc mới.
"Nó đề nghị tôi: 'Vợ con đã bỏ đi, má về ở với con. Má con mình nương nhau đến suốt đời' nhưng tôi không đồng ý. Nó nghèo quá. Tôi không thể là gánh nặng cho nó dù tôi đã ở những năm tháng cuối của cuộc đời", bà nói.
Trần Chánh Nghĩa