Xã Bạch Đằng, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước được kỳ vọng sẽ trở thành làng thông minh vào năm 2025. Nằm trên cù lao Bạch Đằng và được bao bọc bởi sông Đồng Nai, xã Bạch Đằng có diện tích hơn 1.000 ha, trên 6.000 dân sinh sống.
Đây cũng là địa phương điển hình, điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Dương. Những con đường với đầy đủ hệ thống chiếu sáng, hay đường hoa được chăm sóc cẩn thận đều là kết quả của sự chung tay giữa người dân và chính quyền.
Bà Ngô Thị Minh Lan, xã Bạch Đằng, TP Tân Uyên, Bình Dương cho hay từ khi có con đường hoa, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt, giảm tình trạng vứt rác bừa bãi hai bên đường. Người dân chung tay cùng nhau xây dựng thôn xóm khang trang, sạch đẹp.
Đến nay, tại xã Bạch Đằng, hệ thống đường giao thông liên ấp với 37 tuyến đã được bê tông, nhựa hóa và trồng hoa, cây xanh. Vườn bưởi VietGap đã được phát triển gồm 10 hộ với tổng diện tích 10ha, ứng dụng tem truy xuất nguồn sản phẩm.
Bên cạnh đó, xã cũng đã đầu tư hệ thống đèn led chiếu sáng tiết kiệm năng lượng trên các tuyến đường, 35 điểm phát sóng WiFi công cộng được lắp đặt, công tác vệ sinh môi trường thu gom và xử lý rác thải được thực hiện tốt.
Bà Võ Thị Bảo Xuyên, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cho biết địa phương đã cụ thể hoá một số chương trình, trong đó thực hiện tuyến đường kiểu mẫu để xây dựng nông thôn mới và thực hiện thi đua hộ nông thôn mới xanh, sạch, đẹp, sáng.
Thực tế, qua 3 năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh Bình Dương.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất, công trình thủy lợi… được đầu tư cơ bản, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình đầu người ở nông thôn đến cuối năm 2022 đạt hơn 76 triệu đồng/người/năm.
Bình Dương đã có 41/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt 100%; 29/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 71%; 3/6 đơn vị cấp huyện công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, trong xây dựng nông thôn mới, người dân là yếu tố quyết định, cán bộ và chính quyền các cấp chủ yếu là chất xúc tác. Trong những năm tiếp theo, Bình Dương vẫn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng hành trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Thực tế, hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao.
Đặc biệt, việc đầu tư phát triển các công trình hạ tầng quan trọng, như giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục, văn hóa… đã tạo thuận lợi trong kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa các trung tâm đô thị với các vùng nông thôn của tỉnh; nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đã chứng tỏ được giá trị thực tiễn, góp phần tạo động lực trong công tác xây dựng NTM.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, đã có 45 tập thể và 131 cá nhân đã được tuyên dương về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội. Bình Dương cần phát huy kịp thời tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong công tác xây dựng NTM, góp phần quan trọng cho mục tiêu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị văn minh, hiện đại.
Kết quả trên cũng là quá trình đầu tư liên tục với sự chung tay của các cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, huy động mọi nguồn lực và tiềm năng của nền kinh tế xã hội để xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả.
Trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 100% (41/41) số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 24% (10/41) số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 100% huyện đạt chuẩn NTM; hoàn thành xây dựng thí điểm "Làng thông minh" trên địa bàn xã Bạch Đằng và nhân rộng đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu có 70% số xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý trang trại, vùng trồng, tiếp cận thị trường. Mục tiêu đưa chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.