- Rất nhiều độc giả đã vui mừng trước quyết định nghỉ thêm 2 ngày trước Tết (28 và 29/1), trong đó có một độc giả nữ phản hồi: "Sau Tết nghỉ nhiều chồng tôi cùng anh em, họ hàng chẳng làm gì nên ngày nào cũng nhậu nhẹt. Năm ngoái anh còn say rượu đi xe máy ngã xuống mương nước đến gãy tay nên thà phải đi làm sớm nhà tôi còn đỡ được nạn rượu chè”.
Nghỉ sớm để cảm nhận không khí Tết
Trên VietNamNet, bạn đọc Lê Minh phản hồi: “Hàng năm, cứ những ngày cận Tết đa phần nhân viên các cơ quan nhà nước thường trốn giờ đi chợ mua sắm. Việc quyết định cho nghỉ như vậy, vừa bỏ được tình trạng đó lại có thể để người dân chủ động chọn lựa ngày về hợp lý”.
Bạn đọc Mai Đình Đoài cho biết: “Người Việt Nam đến ngày Tết ai cũng có quá nhiều việc phải làm trước giờ giao thừa, trong khi sau Tết thì thời gian rỗi rãi nhiều vì vậy cho nghỉ sớm trước Tết và rút ngắn thời gian sau Tết là một sự lựa chọn đúng, phù hợp văn hóa cũng như giải quyết được rất nhiều áp lực xã hội mang tính thời điểm”.
Nghỉ sớm người dân có thể chủ động đi mua sắm (Ảnh: Tiền phong) |
Phần đông những người đồng tình với quyết định trên là các chị em phụ nữ bởi họ luôn phải đầu tắt mặt tối trước những ngày Tết gấp gáp để mua sắm, chuẩn bị cho gia đình.
Bạn đọc ở email: mrbeo2009@yahoo.com.vn nhấn mạnh: “Nghỉ trước Tết như vậy mọi người có thời gian mua sắm trong gia đình hơn. Người dân còn có khoảng thời gian trước Tết để cảm nhận không khí của ngày Tết cổ truyền. Những năm trước nghỉ cận Tết quá tôi không còn thấy ý nghĩa nữa”.
Một độc giả khác cũng đồng tình: “Tôi là một giáo viên. Nghỉ Tết sớm tôi có thời gian cùng làm mứt tết, dọn dẹp nhà cửa, nấu bánh chưng cùng gia đình. Những lúc như vậy, tôi mới cảm nhận được không khí háo hức, chờ đợi của Tết. Mấy năm nay việc nhiều thời gian lại cập rập, tôi thấy mình không còn mong Tết đến nữa”.
Một phụ nữ 35 tuổi, nội trợ, cũng bức xúc: “Sau Tết nghỉ nhiều chồng tôi cùng anh em, họ hàng chẳng làm gì ngày nào cũng nhậu nhẹt. Năm ngoái còn say rượu đi xe máy ngã xuống mương nước đến gãy tay nên thà phải đi làm sớm còn an toàn hơn”.
Độc giả Trần Công Thành: “Như vậy, năm nay chúng tôi - những công nhân khu công nghiệp- sẽ có chút thời gian ít ỏi cuối năm chăm lo mồ mả ông bà và sửa sang nhà cửa để đón Tết cổ truyền dân tộc - Cái Tết thiêng liêng nhất trong năm. Khác với mọi năm đi làm xa, tôi là con trưởng trong nhà mà toàn phải nhờ người đi chăm sóc phần mộ tổ tiên trước Tết”.
Bạn đọc ở Email: nhanhhoado@gmail.com cũng đồng tình: “Những người ở xa phải vất vả về quê như mình thật cơ cực. Năm ngoái không mua được vé sớm, mình về tới quê chỉ kịp đón giao thừa thôi. Nhìn thấy mẹ đợi đầu ngõ chiều cuối năm mà chảy cả nước mắt”.
Trên một tờ báo điện tử bạn đọc vuan@gmail.com cũng chia sẻ hoàn cảnh của mình: “Nếu làm hết 29 mới nghỉ, mua được vé tàu, ngày 30 vợ chồng con cái mình mới về tới nhà. Ở nhà chồng chưa kịp nghỉ, chưa kịp hỏi han, giúp đỡ gì người thân thì nhà mình lại lục đục kéo nhau ra nhà ngoại (hai nhà rất xa nhau), về đến nhà ngoại cũng là chiều tối mùng 4, lúc đó cũng hết Tết rồi. Ai ấy chồng xa, một chốn bốn quê mới thấy Tết ngắn khổ thế nào”.
"Ngày Tết đẹp nhất là khoảng thời gian trước Tết, những ngày sau đó theo quan niệm dân ta là "mùng 3 đã hết Tết" thì chẳng còn gì thú vị nữa. Mình vẫn thích cảm giác vừa dọn dẹp, mua sắm vừa chậm rãi chờ đợi những ngày năm mới đến hơn", độc giả An Khê (Hà Đông, Hà Nội), nói.
Đề xuất quá muộn?
Bên cạnh sự đồng tình, đề xuất trên cũng nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Trên một diễn đàn khác, bạn đọc tên Vân bức xúc: “Sao không đề xuất để có quyết định sớm hơn, bởi hiện tại, chúng tôi những người ở xa đã tranh thủ mua vé rồi, giờ làm sao đổi lại?. Như vợ chồng tôi đã rất vất vả mới mua được vé khứ hồi từ Sài Gòn về Nghệ An ăn Tết cho cả gia đình 4 người giờ biết giải quyết thế nào?”.
Chầu chực từ 2h sáng mua vé xe Tết vào năm 2013 (Ảnh: VietNamNet) |
Một độc giả khác cũng đồng tình: “Đề nghị cơ quan chức năng công bố ngày nghỉ lễ trong năm sau sớm ít nhất 6 tháng để công ty, cá nhân chủ động sắp xếp lịch làm việc, kế hoạch kinh doanh. Nếu đề xuất này được thủ tướng phê duyệt thì ảnh hưởng đến kế hoạch nghỉ của nhiều cá nhân & công ty du lịch vì vé máy bay, vé tàu đã bán hết những ngày cao điểm từ đầu tháng 10/2013 rồi”.
Ngoài việc đề xuất muộn, nhiều bạn đọc cũng tỏ ra lo lắng về sự khả thi, hiệu quả của việc nghỉ Tết sớm này. Bạn đọc Đỗ Quyên lật lại vấn đề: “Thực trạng tai nạn giao thông, kẹt tàu xe ở nước ta vào dịp trước Tết đâu phải do lịch nghỉ Tết?”.
Một độc giả khác ở email anh21111@gmail.com cũng phản đối: “Liệu có cán bộ nhân viên nào đi làm ngày thứ 2 (27/1) không hay họ lo về quê từ thứ 6 (24/1) rồi? Rồi có mấy người chịu đi làm bù thứ vào thứ 7, chủ nhật? Theo tôi chỉ nên nghỉ trước 1 ngày là hợp lý”.
“Cơ quan nhà nước được nghỉ sớm nhưng chúng tôi làm cho doanh nghiệp nước ngoài có được thế đâu. Nghỉ thế này thì ai trông con vì học sinh được nghỉ sớm và đến trường muộn”, một độc giả khác lại lo lắng.
“Căn cứ vào đâu mà nói nghỉ Tết sớm 3 ngày thì giảm ùn tắc, TNGT? Thực tế cán bộ công chức viên chức làm việc ở xa nhà, đi tàu xe về quê không nhiều. Hàng năm 28, 29, 30 âm lịch là đã vắng khách ở bến tàu bến xe rồi, vì vậy có nghỉ sớm vài ngày cũng chẳng giải quyết được gì.
Nếu năm sau tiếp tục điều chỉnh thì hãy xem xét điều chỉnh so le lịch nghỉ của sinh viên các trường và so le lịch nghỉ của công nhân các ngành. Ví dụ: ở các thành phố có nhiều trường đại học, đề nghị Bộ GD-ĐT sắp xếp cho 1/2 số trường nghỉ muộn, học muộn; khu công nghiệp này nghỉ trước, làm trước, khu công nghiệp khác nghỉ sau, làm sau”, độc giả Lelan8866@gmail.com đưa ra một đề xuất khác.
Lê Lan (Tổng
hợp)