10 năm nay, anh Nguyễn Văn Bình (*) (30 tuổi, Hà Nội) trải qua cuộc sống không giống những người bình thường. Anh đi tiểu rất nhiều lần trong ngày, mức độ ngày càng nặng dần theo thời gian. Đến nay, cứ 15’, bệnh nhân phải vào nhà vệ sinh một lần, trong người luôn khó chịu vì có cảm giác buồn đi tiểu.

Anh Bình không dám nghĩ đến chuyện có bạn gái, lập gia đình vì tự ti. Người đàn ông cũng từng thử đi khám ở nhiều nơi, tuy nhiên không phát hiện ra bệnh.

Tháng 11/2020, bệnh nhân tới gặp bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thận - Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E xin tư vấn. Sau khi thăm khám, thực hiện kỹ các cận lâm sàng như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, nội soi niệu đạo – bàng quang, đo chức năng cơ thắt của bàng quang và niệu đạo, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng phụ thuộc vào nhà vệ sinh ( hội chứng phụ thuộc toilet).

Đây là hội chứng lâm sàng phong phú với bệnh cảnh phải đi tiểu hay đi ngoài nhiều lần, hoặc phải mất nhiều thời gian trong nhà vệ sinh. Hội chứng tuy không gây chết người nhưng gây tổn hại nghiêm trọng công việc, sinh hoạt,… và làm suy sụp tinh thần bệnh nhân.

Có nhiều nguyên nhân gây nên hội chứng phụ thuộc toilet, bao gồm các bệnh lý hệ tiết niệu, bệnh lý đại – trực tràng, hậu môn, do chế độ ăn uống mất vệ sinh, thiếu khoa học hoặc do yếu tố tâm lý.

{keywords}
Hình minh họa

Với nam bệnh nhân 30 tuổi, bác sĩ Liên cho biết người bệnh mắc bệnh lý bàng quang tăng hoạt trên nền dung tích bàng quang nhỏ. Bàng quang tăng hoạt là hiện tượng bàng quang co bóp ngay trong giai đoạn lưu trữ (lẽ ra bàng quang không co bóp cho tới khi kết thúc giai đoạn này).

Người mắc bệnh này thường tiểu gấp, tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu đêm nhiều, đau tức vùng bàng quang do bàng quang luôn co bóp. Thậm chí, nhiều bệnh nhân khó hoặc mất kiểm soát sự kiềm giữ nước tiểu khiến nước tiểu tự xì ra. Những triệu chứng này khiến bệnh nhân khó khăn trong làm việc, ngại tiếp xúc với người ngoài, thậm chí một số người phải đóng bỉm, miếng lót thấm khi ra khỏi nhà. Nhiều bệnh nhân rơi vào trầm cảm, loạn thần sau khi bế tắc vì mắc bệnh thời gian dài.

“Nam bệnh nhân 30 tuổi trên ban đầu do vấn đề bị tâm lý, ám thị nên bị bàng quang tăng hoạt. Bàng quang bình thường chứa được 350-500ml nước tiểu, tuy nhiên do bệnh nhân buồn tiểu và đi tiểu liên tục nên bàng quang nhỏ lại dần, khiến bệnh ngày một nặng”, bác sĩ Liên cho biết.

Các bác sĩ đã tiến hành tư vấn về tâm lý cho bệnh nhân, sau đó bơm rửa, tăng dung tích bàng quang; kết hợp điều trị bằng các loại thuốc chuyên ngành và hỗ trợ bệnh nhân luyện tập cơ sàn chậu. Sau khoảng 1 tuần, bệnh nhân ổn định dần các triệu chứng. Sau 2 tuần, người bệnh khỏi hẳn, có thể sinh hoạt trở lại như người bình thường.

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên khuyến cáo, khi có các triệu chứng liên quan đến rối loạn tiểu tiện như tiểu nhiều lần, tiểu buốt, tiểu rắt, màu sắc nước tiểu bất thường,… cần đi khám và khám đúng chuyên khoa để được tư vấn, điều trị kịp thời.

“Hiện nay, nhiều người dân tự đi mua và dùng thuốc ở các hiệu thuốc, hoặc khám không đúng chuyên khoa có thể khiến việc điều trị không có hiệu quả, bệnh diễn tiến nặng hơn”, bác sĩ Liên nhấn mạnh.

Để tránh các vấn đề liên quan rối loạn tiểu tiện, chuyên gia khuyến cáo người dân nên chú ý kiêng đồ uống gây lợi tiểu hay mất ngủ, đồ chứa chất kích thích như cafein, chè, coca,…, tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ, vệ sinh cơ quan sinh dục sau khi đi tiểu,…

(*) Họ và tên nhân vật đã được thay đổi

Nguyễn Liên

Người đàn ông bị nửa chiếc bút bi lọt sâu vào niệu đạo

Người đàn ông bị nửa chiếc bút bi lọt sâu vào niệu đạo

Dị vật là nửa đầu của vỏ chiếc bút bi, dài 4cm, đã nằm sâu trong niệu đạo.